Chuyển mô hình chống dịch để phục hồi kinh tế

15:19 | 27/09/2021 Print
Quan trọng nhất để phục hồi kinh tế là chuyển mô hình chống dịch và thời điểm này cần phải có mệnh lệnh từ Trung ương, nếu mỗi tỉnh một kiểu, thì các hoạt động kinh tế - xã hội không thể thông suốt.

TT

TS. Nguyễn Sĩ Dũng phát biểu tại cuộc tọa đàm.

Đây là quan điểm được TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu tại cuộc tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội, do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Ban hành chính sách không nên tạo thêm chi phí cho kinh tế

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, mô hình chống dịch "zero Covid" của năm 2020 đã kéo quá dài, là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội. Cho rằng quan trọng nhất hiện nay để phục hồi kinh tế là chuyển mô hình chống dịch, ông bày tỏ "rất mừng là Thủ tướng Chính phủ đã nói về mô hình chống dịch mới, theo đó sống chung an toàn với Covid-19".

Tuy nhiên, ông đánh giá các địa phương đang có những biện pháp rất khác nhau. Với "vòng kim cô" là địa phương nào để bùng dịch thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nên các địa phương thực hiện chính sách khóa cứng, ngay cả khi chỉ có 1, 2 ca lây nhiễm. Thêm vào đó, một loạt chính sách đang tạo ra các khoản tô khổng lồ, ví dụ như TP.Hồ Chí Minh đóng cửa chợ truyền thống giá rẻ, chỉ cho mỗi siêu thị mở cửa, thì đó là khoản tô do chính sách và nó đánh vào người nghèo, vào hàng chục triệu người lao động tự do, ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Do đó, ông Nguyễn Sĩ Dũng đề nghị khi chuyển đổi mô hình phải mở cửa chợ trước bởi hàng triệu người phụ thuộc vào đó, cả người mua và người bán. Đồng thời, khi chuyển đổi mô hình cần phải mạch lạc. Phân cấp phân quyền là quan trọng, nhưng thời điểm này mệnh lệnh phải từ Trung ương, thì lưu thông mới thông suốt.

"Chính sách ban hành phải cân nhắc, không tạo bất bình đẳng, tạo khoản tô bất hợp lý cho kinh tế", TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh và nói thêm "nếu cứ môi trường thế này, cơ hội thu hút đầu tư từ chuyển đổi chuỗi cung ứng có đến mình không?".

Một vấn đề quan trọng nữa khi phục hồi kinh tế là nỗi lo thiếu hụt lao động. Theo TS. Võ Trí Thành, đây là vấn đề đại sự cả trước mắt và lâu dài, cả về dịch chuyển lao động và trạng thái lao động. Dự kiến, có thể phải đến mất 2 năm các tỉnh phía nam mới quay lại có nguồn lao động như trước dịch.

Lo ngại thời gian phục hồi còn kéo dài hơn 2 năm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng sẽ xảy ra nghịch lý là nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ sẽ thiếu lao động rất lớn khi người lao động quay về và chưa biết khi nào trở lại. Trong khi đó, các chuỗi sản xuất không thể ngừng và đã có 20% hoạt động của chuỗi phải chuyển ra ngoài Việt Nam.

"Nếu không có chính sách lôi kéo lao động trở lại, sẽ thiếu hụt rất lớn. Nếu họ về quê, tự cung tự cấp lại ảnh hưởng lớn đến kinh tế bởi cầu trong trong nước sẽ yếu đi. Do đó, chương trình tới đây, dù tiền tệ hay tài khóa thì cũng phải hướng tới tăng cầu, nếu không tăng cầu thì không phát triển được", ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Tăng cường giải trình chính sách

Cùng với những phân tích trên, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng để các chính sách được mạch lạc, minh bạch, Quốc hội nên tham gia tích cực hơn trong quản trị quốc gia, bởi "Quốc hội họp "xuân thu nhị kỳ", nhưng có những vấn đề cần điều chỉnh gấp".

Nêu cách Quốc hội các nước làm là tổ chức điều trần, hay như Việt Nam là giải trình, ông Nguyễn Sĩ Dũng gợi ý các Ủy ban của Quốc hội nên tích cực làm việc với các bộ chuyên môn về giải trình chính sách. Chẳng hạn, khi chuyển đổi chính sách chống dịch thì sẽ chuyển đổi thế nào, tiêm vắc xin, giãn cách ra sao. Quốc hội phải bảo đảm trách nhiệm giải trình, giải trình được thì mới minh bạch, đây là điều quan trọng để vượt qua thời kỳ khó khăn này, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị.

VTT
TS Võ Trí Thành phát biểu.

Khuyến nghị với Quốc hội, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh việc cải cách thể chế, trong đó đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng chương trình làm luật. Trong 2, 3 năm tới, ông Võ Trí Thành đưa ra 4 nhóm chính sách phải quan tâm, mà hàng đầu là về phân bổ nguồn lực hiệu quả, như sửa Luật Đất đai….

Nhóm chính sách thứ hai là thúc đẩy sáng tạo, theo đó phải có luật về dữ liệu. Hiện chúng ta đang làm rất chậm so với ASEAN khi chưa có luật về bảo vệ dữ liệu, quyền tài sản dữ liệu… Nhóm chính sách thứ 3 cần quan tâm là về công chức, bảo vệ, đánh giá công chức thế nào để họ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Cuối cùng là chính sách pháp lý về tình trạng khẩn cấp. Trong điều kiện khẩn cấp thì trao quyền cho Chính phủ thế nào, ứng phó sao cho chuyên nghiệp, chi phí rẻ, hiệu quả. "10 năm gần đây, chúng ta vướng nhiều về phản ứng chính sách trước các cú sốc… vấn đề này cần đặt lên bàn để suy nghĩ", ông Võ Trí Thành nói./.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam