Đề nghị sửa quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng đối với nhà máy điện

17:32 | 27/09/2021 Print
Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định giá tính thuế giá trị gia tăng đối với nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, Tổng công ty phát điện căn cứ vào giá bán lẻ điện bình quân năm trước chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng do cơ quan có thẩm quyền công bố.

điện

Ảnh TL minh họa.

Theo Bộ Tài chính, kể từ ngày Nghị định số 10/2017/NĐ-CP có hiệu lực (1/7/2017) thì số thu của một số địa phương gặp khó khăn do việc xác định giá tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với điện của các công ty sản xuất điện hạch toán phụ thuộc EVN và hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện (GENCO) theo chi phí sản xuất điện của năm trước liền kề sẽ không thống nhất giữa các nhà máy thủy điện, vì có những nhà máy thủy điện đã hết khấu hao và nhà máy thủy điện chưa hết khấu hao. Bên cạnh đó, đối với nhà máy thủy điện đã hết khấu hao, tiết kiệm chi phí thì giá tính thuế GTGT để nộp cho các địa phương thấp nên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của địa phương.

Theo số liệu của cơ quan thuế, giá tính thuế GTGT của các công ty thủy điện này trong năm 2021 khoảng 26% giá bán điện thương phẩm bình quân năm trước chưa bao gồm thuế GTGT. Trong khi theo Nghị định số 209/2013/NĐ-CP thì giá tính thuế GTGT bằng 60% giá bán điện thương phẩm bình quân năm trước chưa bao gồm thuế GTGT. Đồng thời, khi tham gia thị trường điện cạnh tranh, giá tính thuế GTGT sẽ còn thấp hơn nhiều (chỉ bằng 1/3 giá tính thuế tại Nghị định số 10/2017/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, quy định trên còn ảnh hưởng đến việc thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) được giao hàng năm: Các địa phương có công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc được giao dự toán thu NSNN hàng năm căn cứ theo giá bán điện của năm trước (địa phương làm dự toán thu NSNN của năm sau vào tháng 6 của năm trước theo giá bán điện của năm trước). Tuy nhiên, do giá bán điện của các công ty thủy điện hàng năm được EVN công bố trước ngày 31/3 hàng năm luôn thấp hơn giá năm trước do chi phí sản xuất ngày càng giảm vì giá trị tài sản cố định của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc được khấu hao nhiều năm, vì vậy, ngân sách của các địa phương này luôn bị hụt thu so với số giao dự toán.

Do vậy, tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 25/1/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình có giao: “Bộ Tài chính xem xét, rà soát sự phù hợp của giá tính thuế GTGT đối với các công trình thủy điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam quy định tại Nghị định số 10/2017/NĐ-CP...”.

Để hài hoà lợi ích nhà nước, địa phương và doanh nghiệp, tạo nguồn thu ổn định cho các địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định giá tính thuế GTGT đối với nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, GENCO căn cứ vào giá bán lẻ điện bình quân năm trước chưa bao gồm thuế GTGT do cơ quan có thẩm quyền công bố. Với đề xuất này, giá tính thuế GTGT sẽ ấn định (giá này do Bộ Công thương công bố) và không phụ thuộc vào EVN.

Mức tỷ lệ tính thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị theo 2 phương án như sau:

Phương án 1, giá tính thuế GTGT tại các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN bằng 40% giá bán lẻ điện bình quân năm trước chưa bao gồm thuế GTGT do cơ quan có thẩm quyền công bố. Theo phương án này, số thuế GTGT phải nộp từ các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN tăng so với hiện hành khoảng 858 tỷ đồng. Trong đó, số thuế GTGT phải nộp tại Hòa Bình tăng khoảng 235 tỷ đồng. Số thuế GTGT còn được khấu trừ tại EVN cũng tăng tương ứng là 858 tỷ đồng/năm và dự kiến cho năm 2021 số thuế GTGT còn được khấu trừ của EVN là 2.850 tỷ đồng.

Phương án 2, giá tính thuế GTGT tại các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN bằng 35% giá bán lẻ điện bình quân năm trước chưa bao gồm thuế GTGT do cơ quan có thẩm quyền công bố. Với phương án này, Bộ Tài chính ước tính số thuế GTGT phải nộp từ các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN tăng so với hiện hành khoảng 570 tỷ đồng. Trong đó, số thuế GTGT phải nộp tại Hòa Bình tăng khoảng 156 tỷ đồng, số thuế GTGT còn được khấu trừ tại EVN cũng tăng tương ứng là 570 tỷ đồng và dự kiến cho năm 2021 số thuế GTGT còn được khấu trừ của EVN là 2.562 tỷ đồng.

Đối với 2 phương án này, EVN sẽ gặp khó khăn do số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ sẽ tăng dần qua các năm. Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo 2 phương án nêu trên để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam