Nan giải với bài toán thiếu nguyên liệu

16:24 | 26/09/2021 Print
(TBTCVN) -Dịch Covid-19 đã phá vỡ kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp nông - lâm - thủy sản, nhất là giai đoạn từ nay đến cuối năm. Nhiều ngành hàng thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Để tháo gỡ khó khăn này, thời gian tới cần có giải pháp linh hoạt cũng như sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng.

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đang đau đầu với bài toán thiếu nguồn cung nguyên liệu

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đang đau đầu với bài toán thiếu nguồn cung nguyên liệu để duy trì sản xuất. Ảnh: Nam Khánh

Thiếu nguyên liệu trả đơn hàng

TP. Cần Thơ là đầu mối tập trung các nhà máy thu mua, chế biến lúa gạo và cá tra xuất khẩu (XK) của các tỉnh Tây Nam Bộ, tuy nhiên do yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình sản xuất, phân phối lưu thông nông sản của Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, thực tế hiện nay ở nhiều địa phương có lúa ngoài đồng đã chín, đổ ngã, cá tra dưới ao đã quá size nhưng không có người thu hoạch, mạng lưới thương lái thu mua dừng hoạt động do vướng quy định đi lại… trong khi các nhà máy chế biến không có đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất. Tới thời điểm này, 95% trong tổng số doanh nghiệp (DN) tại Cần Thơ đã đóng cửa do không đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất "3 tại chỗ". Số DN còn lại cũng chỉ duy trì sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu, việc kiểm soát đi lại khó khăn, chi phí sản xuất "3 tại chỗ" quá cao.

Là DN liên kết và bao tiêu sản phẩm trái cây XK ở nhiều địa phương, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T chia sẻ, trong khi nhu cầu của khách hàng nước ngoài đang tăng, sản lượng trái cây của các địa phương cũng rất lớn nhưng các DN XK lại vướng ở khâu thu mua, sơ chế, vận chuyển. Nếu tình trạng này kéo dài, DN không thể gánh nổi chi phí còn nông dân không tìm được đầu ra, có xu hướng bỏ bê việc chăm sóc vườn cây. Hệ lụy lâu dài là kể cả sau khi hết dịch, DN không có đủ nguyên liệu đạt chất lượng cho XK và sẽ mất khách hàng.

Lĩnh vực chế biến, XK gỗ cũng đang giai đoạn nước rút để trả các đơn hàng nhưng bài toán nguyên liệu cũng khá nan giải. Ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết, nỗi lo lớn nhất của các DN hiện nay là nếu bị đứt gãy chuỗi sản xuất, sẽ không giao hàng đúng hạn cho khách hàng, đồng nghĩa sẽ phải bồi thường hợp đồng.

Cùng nỗi lo, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú cũng cho rằng: “Chúng tôi rất lo trong tháng 10-11 không có nguyên liệu để chế biến XK trả các đơn hàng phục vụ cho mùa Noel, đón mừng năm mới. Nếu lúc đó hết dịch, công nhân được đi làm 100% thì lại không có nguyên liệu để làm. Đây là khó khăn rất lớn với DN”.

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam, bài toán nguyên liệu đang làm “đau đầu” các DN chế biến thủy sản, đặc biệt là nhóm hàng tôm, cá tra, khi thời gian trả đơn hàng cuối năm đang gây áp lực. Trong khi đó hiện nay, ảnh hưởng của dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nguồn nguyên vật liệu chỉ tạm thời đủ cung cấp cho hoạt động sản xuất cầm chừng trong thời gian ngắn.

Ở góc độ khác, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nhận định, đầu ra cho nông sản, thủy sản các địa phương chính là các DN chế biến lương thực thực phẩm tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Do đó, khi dịch Covid-19 lây lan diện rộng, khâu thu hoạch, vận chuyển bị ách tắc thì không chỉ nông dân gặp khó khăn mà các DN cũng rơi vào tình thế thiếu nguyên liệu sản xuất.

Linh hoạt, đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, qua đại dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp và cả DN, nông dân đều thấy rõ vai trò của việc liên kết chuỗi sản xuất – cung ứng và sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể. Trong thời gian giãn cách xã hội, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có thể tìm được đầu ra dễ hơn các nông hộ sản xuất riêng lẻ, các nông sản có chứng nhận OCOP hay VietGap đều tiêu thụ rất nhanh. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương cần đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và thực hiện hiệu quả công tác dự báo thị trường, sản lượng, thời điểm thu hoạch để điều tiết sản xuất – tiêu thụ hiệu quả nhất.

Để giải bài toán thiếu nguyên liệu sản xuất, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T chia sẻ, việc linh hoạt ứng xử với tình hình mới của dịch bệnh rất quan trọng đối với các DN. Thực tế đã chứng minh là nếu như trong tháng 8 tình hình lưu thông hàng hóa, nguyên liệu khó khăn khiến công suất của DN giảm tới 40% - 50%, thì khi nới lỏng giãn cách, hoạt động của nhà máy đã tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng DN cần hỗ trợ để tìm thêm nhiều nguồn cung nguyên liệu, tăng dự trữ nguồn hàng để đảm bảo hoạt động sản xuất, từ đó đảm bảo thực hiện các đơn hàng đã ký kết với đối tác.

Theo ông Trần Việt Trường, để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, thủy sản của khu vực Nam bộ, Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm có giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng cho các DN thu mua, chế biến số lượng lớn mới có thể giải quyết được đầu ra nhanh chóng cho các vùng nguyên liệu hiện nay. Về lâu dài, cần xây dựng sàn giao dịch thu mua nông sản, thủy sản cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Lý Kim Chi cho rằng, các giải pháp kết nối tiêu thụ hiện nay mới chỉ là tình thế, để có thể thích ứng với các tình huống bất ngờ như dịch Covid-19 hay các rủi ro khác, DN kiến nghị cần sớm có cơ chế đầu tư, xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia, đặt tại các vùng nguyên liệu lớn. Chỉ có hệ thống này mới đủ sức chứa và lưu trữ sản lượng lớn các nông sản, thủy sản khi vào vụ thu hoạch và điều tiết nguyên liệu cho các DN sản xuất, chế biến, XK theo nhu cầu thị trường.

“Nếu hệ thống kho lạnh được đầu tư và vận hành hiệu quả, nông dân sẽ không phải lo đầu ra cho nông sản, DN cũng yên tâm về nguyên liệu sản xuất, giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản thời gian qua” - bà Lý Kim Chi phân tích.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh và mạnh tốc độ "phủ" vắc-xin để 100% người lao động được đi làm trong tình hình mới, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại nhịp độ bình thường.

Nam Khánh

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam