Lộ trình đã tỏ, bước đi có khó?

08:49 | 29/09/2021 Print
(TBTCVN) - Một lộ trình đã rõ cho quá trình phục hồi kinh tế, qua các ý kiến thảo luận tại cuộc tọa đàm lớn nhất từ trước đến nay về nội dung này. Cuộc tọa đàm thu hút được sự tham gia hùng hậu của khoảng 100 chuyên gia trong nước và quốc tế, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đồ họa: Hồng Vân

Đồ họa: Hồng Vân

Vì sao sao rơi?

Tóm lược lại ý kiến, Chủ tịch Quốc hội nêu các chuyên gia thống nhất đánh giá có 5 nguyên nhân khiến Việt Nam chuyển từ vị trí “ngôi sao” xuống nhóm nước có tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trong năm nay. “Sao rơi” bởi nguyên nhân thứ nhất là tình hình y tế xấu đi; thứ hai là các chương trình tiêm chủng chậm ngay cả khi đã được tăng tốc trong thời gian gần đây; thứ ba là thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn; thứ tư là việc thực hiện các chính sách còn thiếu đồng bộ, thiếu linh hoạt khiến hiệu quả chống dịch chưa đạt như mong muốn; thứ năm là chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, chính sách tiền tệ ở mức trung bình thấp, chính sách tài khóa chưa tham gia nhiều do nguồn lực còn hạn chế, các chương trình trợ giúp xã hội còn hạn chế.

Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia đưa ra là, nguy cơ Việt Nam suy giảm tăng trưởng trong dài hạn. Vấn đề này Quốc hội và Chính phủ phải tính toán rất kỹ, vì khi Việt Nam bắt đầu phục hồi được thì các nước phát triển có thể đã thắt chặt chi tiêu để đối phó với những bất ổn vĩ mô. Nếu tăng trưởng kinh tế của các đối tác chiến lược, đối tác của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… chững lại hoặc suy giảm thì sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Do đó, không thể lạc quan một chiều, phải đánh giá, dự báo được các xu hướng và nguy cơ để có chính sách phù hợp.

Cùng với đó, chống dịch và phát triển kinh tế phải hết sức chú trọng khía cạnh xã hội và tâm lý của người dân. Nới lỏng có chọn lọc một số hoạt động xã hội để hạn chế sức ép của dịch bệnh đối với xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, cuối năm 2021 có thể chuyển sang giai đoạn thích ứng với Covid-19, khôi phục kinh tế, xã hội với lộ trình cụ thể, tạo nền tảng và bước đi vững chắc cho phục hồi kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tìm điểm cân bằng

“Tìm điểm cân bằng” là một trong những nội dung quan trọng mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến khi tóm lược lại các ý kiến chuyên gia. Các chuyên gia cho rằng, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo mục tiêu kép trong điều kiện bình thường mới, trong đó, mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe nhân dân cả về thể chất và tinh thần; đồng thời duy trì linh hoạt các hoạt động kinh tế, xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện có dịch bệnh.

Phải kiên cường đứng lên

“Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi cho rằng những khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt, tạm thời. Chúng ta vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường. Với sự chung sức đồng lòng và tinh thần trách nhiệm cao nhất, chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn đặc biệt thách thức này. Vì sự phát triển của đất nước, sự thịnh vượng của người dân, đòi hỏi tất cả chúng ta phải giữ vững ý chí, quyết tâm và niềm tin để kiên cường đứng lên sau đại dịch”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Thực chất ở đây là tìm điểm cân bằng tối ưu giữa mục tiêu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội để có các biện pháp phù hợp, áp dụng linh hoạt theo thời điểm, địa điểm, diễn biến của dịch; không nhất thiết phải trên diện rộng mà phải có lộ trình, mở dần nhưng có kiểm soát để vừa bảo vệ thành quả chống dịch vừa phục hồi được kinh tế.

Điểm cân bằng này có phải là điều không tưởng không? Câu trả lời là “không” nếu như đảm bảo được sự mạch lạc trong chính sách và thực thi chính sách. Chủ tịch Quốc hội tóm tắt các ý kiến này thành khuyến nghị rằng: “Cần có khung chính sách về thích ứng với Covid-19. Khung chính sách này phải được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo, quyết định một cách quyết đoán và tổ chức thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới”.

Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Phân cấp, phân quyền là quan trọng nhưng ở thời điểm này phải có mệnh lệnh từ trung ương mới bảo đảm được tính hệ thống trong việc duy trì linh hoạt các hoạt động kinh tế, xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện có dịch bệnh. Nếu vẫn mỗi tỉnh một kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được?”.

Làm rõ thêm vấn đề cần thiết phải có mệnh lệnh mạch lạc, nhất quán từ Trung ương, TS. Dũng nêu lên thực tế không thể tiếp tục phong tỏa “cứng” nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong thời gian dài như vừa qua. Nhưng quan điểm và hành động của các địa phương hiện đang rất khác nhau, do người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch. Hệ quả tất yếu là chỉ cần có vài ca nhiễm họ sẽ “khóa cứng” địa phương mình lại, từ đây gây đứt gãy các hoạt động kinh tế, xã hội.

Họa lớn từ cấm, cản

Đường đi đã tỏ, thực thi liệu có khó? Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc này. Thời gian qua, dù quan điểm của trung ương về thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới đã được xác định rất rõ ràng, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất chủ động, quyết liệt trong việc tháo gỡ những khó khăn về cơ sở pháp lý, kịp thời hỗ trợ Chính phủ thực hiện được ngay các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt để phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, nhưng tư duy và hành động của các địa phương lại rất khác nhau khiến suy giảm rất lớn hiệu quả của các chính sách.

Chẳng hạn, xe chở thiết bị y tế - hàng hóa vô cùng thiết yếu trong điều kiện phòng, chống dịch, nhưng phải chờ đến sự can thiệp của trung ương mới đi được từ TP. Hồ Chí Minh về Sóc Trăng. Hay phản ánh của một đại sứ về việc một giám đốc sở, một trưởng ban quản lý khu công nghiệp lại có quyền ra lệnh đóng cửa một doanh nghiệp có quy mô 5.000 - 6.000 công nhân, trong khi doanh nghiệp đó đã rất cố gắng đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch để duy trì sản xuất.

“Tư duy cấm cản, cấp phép đang phổ biến ở các địa phương. Nếu không chấm dứt được tình trạng này sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn đối với sự phát triển trong thời gian tới” - theo TS. Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Quan sát thấy hiện nay không thiếu giải pháp, thậm chí là đã có đủ giải pháp để phục hồi và tăng tốc phát triển nền kinh tế trong điều kiện mới, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu dẫn ra các Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù, khác với quy định của luật hiện hành để ứng phó hiệu quả với diễn biến của dịch Covid-19…

“Vấn đề hiện nay không còn ở xác định giải pháp như thế nào nữa mà là triển khai thực hiện như thế nào?”. Ví dụ cụ thể, nhìn vào Nghị quyết số 105 của Chính phủ sẽ thấy rất nhiều nhiệm vụ được giao cho mỗi bộ ngành, xác định cụ thể thời hạn hoàn thành, trong đó có nhiệm vụ phải hoàn thành từ tháng 9 này. Tuy nhiên, phản ánh của các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp (như Eurocharm) cho thấy, các bộ, ngành hầu như chưa triển khai thực hiện” - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, Quốc hội cần tham gia tích cực hơn nữa trong quá trình quản trị quốc gia. Các ủy ban của Quốc hội phải tổ chức các phiên giải trình, yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước giải trình mạch lạc để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, minh bạch của chính sách; đẩy mạnh giám sát việc thực thi của các bộ, ngành, địa phương.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam