Tăng khả năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước

10:34 | 29/09/2021 Print
(TBTCVN) - Ngày 6/10 tới đây, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội phối hợp thực hiện thí điểm đấu thầu trái phiếu chính phủ theo phương thức đa giá. Đây là giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu trong nước.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: HỒNG VÂN

Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Hồng Vân

Phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ - Kho bạc Nhà nước về vấn đề này.

PV: Xin bà cho biết lý do mà Kho bạc Nhà nước thực hiện thí điểm đấu thầu trái phiếu Chính phủ theo phương thức đa giá?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu: Đấu thầu phát hành TPCP trên thị trường chứng khoán là hoạt động mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều triển khai nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN). Theo thông lệ, có 2 phương thức đấu thầu đơn giá và đa giá (bản chất là 2 cách xác định kết quả đấu thầu). Đối với đấu thầu đơn giá, lãi suất phát hành hoặc giá bán trái phiếu áp dụng một mức chung cho các nhà đầu tư trúng thầu, trong khi đấu thầu đa giá thì mỗi nhà đầu tư sẽ có mức giá trái phiếu/lãi suất trúng thầu riêng, là mức mà các nhà đầu tư đặt thầu tương ứng.

Tại Việt Nam, phương thức đấu thầu đơn giá được Bộ Tài chính áp dụng từ khi thị trường bắt đầu hình thành và các hoạt động đấu thầu được thực hiện trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), theo đúng quy định pháp lý. Đến nay, với sự phát triển liên tục của thị trường về quy mô cũng như cơ sở nhà đầu tư cùng với chủ trương thường xuyên nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2030, Bộ Tài chính đã phê duyệt cho phép Kho bạc Nhà nước (KBNN) phối hợp với HNX triển khai thí điểm đấu thầu đa giá TPCP, phù hợp với mức độ phát triển và điều kiện thị trường hiện nay.

Việc thí điểm phương thức đấu thầu đa giá một mặt giúp các nhà đầu tư có thêm lựa chọn mới trong cách thức đặt thầu, mặt khác giúp Bộ Tài chính tăng khả năng và hiệu quả trong công tác huy động vốn cho NSNN; từng bước tiếp tục củng cố và thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPCP trong nước, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ trên thế giới.

PV: Để cho việc thí điểm đấu thầu TPCP theo phương thức đa giá thành công, KBNN và HNX đã có những bước chuẩn bị như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu: KBNN đã tích cực phối hợp với HNX chuẩn bị kỹ càng các điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ như nâng cấp hệ thống đấu thầu TPCP điện tử tại HNX và các ứng dụng liên quan đáp ứng yêu cầu xét thầu đa giá để các nhà đầu tư đặt thầu; nhận gửi thông tin đấu thầu, đảm bảo các quy trình được thực hiện một cách tự động, thuận tiện tương tự như cách thức thực hiện với phương thức đấu thầu đơn giá đang triển khai. Dự kiến hệ thống sẽ được nâng cấp và hoàn thành kiểm thử để sẵn sàng cho các nhà đầu tư thực hiện phiên đấu thầu đầu tiên vào ngày 6/10, theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Thị trường trái phiếu Chính phủ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực

Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt của Việt Nam trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển. Từ những bước sơ khai trong những năm đầu hoạt động, đến nay thị trường này được đánh giá là một trong số các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực, với quy mô tăng liên tục qua các năm, quy mô thị trường TPCP Việt Nam đến cuối tháng 6/2021 đạt khoảng gần 1,9 triệu tỷ đồng (khoảng 30% GDP chưa đánh giá lại hay 23% GDP đã đánh giá lại). Cơ sở nhà đầu tư TPCP cũng được cải thiện về chất lượng, mở rộng tới nhiều nhóm đối tượng, đa dạng về loại hình và tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao. Hệ thống nhà tạo lập thị trường TPCP hiện nay với 17 thành viên trên thị trường sơ cấp và 63 thành viên giao dịch trên thị trường thứ cấp hoạt động tương đối tích cực, giúp thúc đẩy thanh khoản của thị trường.

Ngày 21/9 vừa qua, KBNN đã phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng Bộ Tài chính, HNX, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu tới các nhà đầu tư về loại TPCP được chọn để thí điểm là TPCP có kỳ hạn 5 năm, thời điểm KBNN bắt đầu thí điểm từ phiên đấu thầu đầu tiên của tháng 10 và thời gian dự kiến thí điểm trong 3 tháng cho đến cuối tháng 12/2021. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý và hơn 60 điểm kết nối với các thành viên là các nhà tạo lập thị trường đã chia sẻ các thông tin, giải đáp các thắc mắc về sự khác biệt so với phương thức đấu thầu đang triển khai… để đảm bảo các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia thí điểm phương thức đấu thầu mới.

PV: Đấu thầu TPCP theo phương thức đa giá lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Là đơn vị thực hiện việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, KBNN có kỳ vọng gì vào phương thức đấu thầu này? Đồng thời, xin bà cho biết một vài thông tin về việc KBNN chọn TPCP có kỳ hạn 5 năm để thực hiện đấu thầu theo phương thức đa giá?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng và phát triển thị trường TPCP trở thành thị trường tham chiếu về lãi suất cho các thị trường tài chính và là kênh huy động vốn quan trọng của NSNN.

Với vai trò là cơ quan được Bộ Tài chính ủy quyền tổ chức phát hành TPCP huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, KBNN mong các thành viên thị trường, các nhà đầu tư ủng hộ và tiếp tục tích cực mua TPCP trên thị trường sơ cấp cũng như giao dịch trên thị trường thứ cấp như thời gian qua, hỗ trợ KBNN hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong việc huy động vốn cho NSNN. Thông qua hoạt động thí điểm, nhà đầu tư có cơ hội trải nghiệm phương thức đấu thầu được áp dụng trên thị trường trái phiếu quốc tế; đồng thời Bộ Tài chính có cơ sở xem xét, áp dụng phương thức đấu thầu đa giá đối với các kỳ hạn khác nếu hiệu quả, để tăng cường hơn nữa chất lượng công tác phát hành TPCP.

Đối với đợt thí điểm đấu thầu TPCP theo phương thức đa giá tới đây, trước mắt KBNN lựa chọn áp dụng đối với TPCP kỳ hạn 5 năm và sẽ thực hiện gọi thầu liên tục đối với kỳ hạn này trong các phiên đấu thầu TPCP thứ tư hàng tuần qua HNX, theo lịch biểu đấu thầu TPCP đã công bố.

TPCP kỳ hạn 5 năm là loại TPCP được các nhà đầu tư ưa chuộng giao dịch, phù hợp với nhu cầu của nhóm nhà đầu tư chính và chuyên nghiệp trên thị trường hiện nay là các ngân hàng thương mại. Đồng thời, TPCP kỳ hạn 5 năm cũng là sản phẩm được giao dịch khá tốt trên thị trường thứ cấp, việc đặt giá của các nhà đầu tư được tham chiếu và theo sát quan hệ cung trái phiếu trên thị trường. KBNN thực hiện gọi thầu liên tục loại kỳ hạn này sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư có nhiều cơ hội dự thầu, giúp KBNN có đủ thông tin làm căn cứ đánh giá hiệu quả triển khai thí điểm và báo cáo Bộ Tài chính quyết định mở rộng áp dụng phương thức đấu thầu đa giá đối với các loại kỳ hạn còn lại nếu phù hợp sau khi kết thúc thời gian thí điểm vào cuối năm.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tùy vào sự phát triển của thị trường trái phiếu mà mỗi nước chọn phương thức đấu thầu trái phiếu Chính phủ

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tùy từng quốc gia với mức độ phát triển khác nhau của thị trường trái phiếu mà cơ quan phát hành công cụ nợ lựa chọn áp dụng phương thức đấu thầu đa giá, đơn giá hoặc kết hợp cả hai. Thông thường, đấu thầu đa giá được áp dụng tại các thị trường trái phiếu có cơ sở nhà đầu tư phát triển, nhóm nhà đầu tư có mức độ tham gia vào thị trường sâu, có khả năng đánh giá thị trường tốt, nhiều kinh nghiệm giao dịch và nhu cầu vay của Chính phủ không quá lớn. Thông tin từ website của các tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ tại một số nước cho thấy, hiện Mỹ, Hà Lan, Úc đang áp dụng phương thức đấu thầu đơn giá; Bỉ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng phương thức đa giá; Hàn Quốc, Nhật Bản áp dụng đồng thời hai phương thức, với từng sản phẩm nhất định.

Vân Hà (thực hiện)

Vân Hà (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam