Sức chống chịu của doanh nghiệp tiếp tục suy giảm

14:34 | 29/09/2021 Print
Chưa năm nào số doanh nghiệp thành lập mới lại thấp hơn khá nhiều số doanh nghiệp dừng hoạt động như năm nay. Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, sức chịu đựng đang gần cạn kiệt.

TT

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đây là đánh giá của ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê.

Nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.

Cụ thể, trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Cơ quan thống kê cũng lưu ý, số liệu này có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường.

Cũng trong 9 tháng, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.677,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 2.873 nghìn tỷ đồng, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 32,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,6% so với 9 tháng năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 117,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 13,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Đ
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (ngoài cùng, bên phải) phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: PV

Riêng trong tháng 9, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký và tăng 15% về số lao động so với tháng 8/2021; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 62,2% về số doanh nghiệp, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động.

Doanh nghiệp khó phục hồi ngay sau dịch

Theo ông Phạm Đình Thúy, chưa năm nào số doanh nghiệp thành lập mới lại thấp hơn khá nhiều số doanh nghiệp dừng hoạt động như năm nay, rõ ràng doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, khả năng chống chịu của doanh nghiệp đang ngày càng cạn kiệt.

Kết quả khảo sát nhanh của Tổng cục Thống kê cho thấy 94,3% số doanh nghiệp gặp khó khăn nặng nề do tác động dịch. Riêng ở 19 tỉnh phía nam, 98,9% số doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn nặng nề, đặc biệt là vùng miền Đông Nam Bộ có 99,1% doanh nghiệp gặp khó khăn. Rõ ràng với tình hình như vậy, đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng chắc chắn đã xảy ra. Mặc dù về tổng thể, khu vực công nghiệp vẫn là điểm sáng, đóng góp tích cực nhất cho nền kinh tế hiện nay, song tăng trưởng khu vực công nghiệp 9 tháng rất thấp, chỉ đạt 40% mức tăng trưởng bình quân 5 năm trước dịch. Đơn cử như TP.Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm âm 13%, quý 3 âm 47,1%.

Bên cạnh đó, hiện nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng. Số doanh nghiệp thực hiện được 3 cùng rất thấp. Chi phí của doanh nghiệp cũng tăng rất nhiều cho phòng chống dịch và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tới đây, khi dịch đã được kiểm soát, các doanh nghiệp cũng chưa thể phục hồi ngay bởi người lao động có thể chưa quay trở lại làm việc.

Với tình hình khó khăn như vậy, chuyên gia của Tổng cục Thống kê cho rằng rất có thể nhiều các địa phương phía Nam sẽ không hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế năm 2021, do đó khả năng không hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế của cả nước là hiện hữu./.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam