Hé mở cơ hội giúp doanh nghiệp hàng không tránh ‘vỡ dòng tiền’

11:40 | 29/09/2021 Print
Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động và sẵn sàng thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không. Ngân hàng thương mại cần chủ động và có sự mạnh dạn nhất định trong việc cố gắng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không.

>> Có khoảng hơn 10% dư nợ tại các hãng hàng không đã tái cơ cấu

Đây là thông tin được Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tại cuộc họp trực tuyến về việc triển khai các nội dung liên quan tới việc hỗ trợ các hãng hàng không vừa mới tổ chức.

Số liệu kinh doanh “kêu cứu”

Theo văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) do ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký cho biết, sau những năm tăng trưởng với tốc độ cao, năm 2020, ngành hàng không Việt Nam chịu tác động tiêu cực rất nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, giãn cách làm hoạt động của các hãng hàng không bị đình trệ, vừa gây thiệt hại cho các hãng, vừa ảnh hưởng dây chuyền tới các doanh nghiệp (DN) trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là các DN khác trong ngành hàng không. Số lượng chuyến bay và hành khách 6 tháng đầu năm 2021 giảm 60 - 70% so với thời điểm trước dịch. Đăc biệt từ cuối tháng 5 đến nay, doanh thu ngành hàng không giảm 80 - 90%. Hiện nay, các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều đã bị dừng. Sự suy giảm mạnh mẽ diễn ra với hầu hết các DN trong ngành.

Chẳng hạn như đối với Vietnam Airlines (VNA), trong 2 tháng đầu năm, vốn là thời kỳ cao điểm vận chuyển hàng không do dịp Tết, khách quốc tế giảm hoàn toàn, lượng hành khách vận chuyển nội địa giảm 16,1% so với 2019, giảm 24,5% so với năm 2020.

Với VietJet Air (VJ), năm 2020, doanh thu giảm 63%, khối lượng vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2021 giảm trên 60% so với 2019; doanh thu trong thời kỳ cao điểm hè 2021 giảm tới 90% so với 2020, khi dịch bệnh đã làm doanh thu giảm đi rất nhiều. Công ty đang phải gánh các khoản nợ phải trả trong thời gian phải dừng và giảm số chuyến bay do giãn cách xã hội, trong đó có những khoản phải trả do thanh toán các trái phiếu dài hạn với lãi suất cao.

Từ năm 2020 đến nay, Bamboo Airways (QH) ước tính thiệt hại doanh thu gần 16.000 tỷ đồng. Pacific Airlinnes (PA), năm 2020, sản lượng khai thác chỉ đạt 38,8%, doanh thu chỉ đạt 30% so với năm 2019; 8 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 30,4%, doanh thu chỉ bằng 13% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, với Tổng công ty Quản lý bay, doanh thu năm 2020 chỉ bằng 40,96% so với 2019; sang năm 2021, lượng điều hành bay tiếp tục giảm so với năm 2020. Ngoài ra, các DN dịch vụ kỹ thuật, thương mại, đào tạo, sản xuất xuất ăn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, ông Bùi Doãn Nề cho biết thêm, nhiều khoản chi phí cố định vẫn phải chi trả trong khi doanh thu giảm khiến cân đối dòng tiền khó được đảm bảo, khiến tính thanh khoản bị giảm, nhiều khoản nợ không thể được thanh toán đúng hạn. Mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay, nằm tại các sân bay từ 80 - 90%. Mỗi tháng Vietjet phải trang trải 3 tỷ đồng tiền lương và 80 tỷ đồng tiền thuê máy bay, trả lãi vay ngân hàng, thanh toán cho các dịch vụ đầu vào cố định, duy tu, bảo dưỡng máy bay,… Tổng các khoản nợ quá hạn và vay ngắn hạn của VietJet nhiều ngàn tỷ đồng.

“Dịch bệnh kéo dài vượt mọi dự đoán, số đợt bùng phát dịch trong thời gian gần đây có xu hướng gần nhau hơn và thời gian ngừng hoạt động do các đợt bùng phát có xu hướng kéo dài, phức tạp hơn, dần trở nên vượt quá khả năng chịu đựng của DN” – Tổng Thư ký VABA cho hay.

Đề xuất gói vay hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng

Thông tin từ VABA cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát, Nhà nước và ngành Ngân hàng đã có những hỗ trợ rất thiết thực cho các DN trong ngành hàng không, góp phần giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các DN.

Tuy nhiên, để hỗ trợ thêm các DN hàng không vượt qua khó khăn, VABA đề xuất hỗ trợ các DN cân đối dòng tiền bị phá vỡ. Hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng VNA 20.000 tỷ đồng). Theo báo cáo của các hãng hàng không là thành viên của VABA, nhu cầu tín dụng để trang trải các khoản nợ phải trả là trên 30.000 tỷ đồng.

"Trên cơ sở báo cáo đề xuất của thành viên VABA, chúng tôi tổng hợp, đề xuất 2 gói vay như sau: Đề nghị áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với VNA cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm; Cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, thời hạn: 3 - 4 năm” - Tổng Thư ký VABA đề xuất.

Ngành Ngân hàng sẵn sàng tháo gỡ trong thẩm quyền

Tại buổi họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN hàng không chiều 28/9, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế bằng nhiều giải pháp, tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, khoản lãi đến hạn, miễn, giảm lãi, phí cho các DN, trong đó có các DN hàng không. NHNN sẽ chủ động và sẵn sàng thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không.

Đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), Phó Thống đốc đề nghị coi việc cho vay hàng không là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Đồng thời, các NHTM tiếp tục cơ cấu lại nợ theo tinh thần tích cực nhất, sử dụng tối đa thời gian được quy định trong Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho tất cả khoản vay. Nếu tới ngày 30/6/2022 còn những khó khăn do khách quan và cần thiết có hỗ trợ thì sẽ xem xét để có điều chỉnh phù hợp. NHTM chủ động và có sự mạnh dạn nhất định trong việc cố gắng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không.

Ông Đào Minh Tú cũng lưu ý, các tổ chức tín dụng (TCTD) cân nhắc duy trì hạn mức cho vay hiện nay đối với các DN hàng không nếu thấy là cần thiết cho việc duy trì ổn định của các DN này. NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên cơ sở các TCTD phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng. Ngược lại, Phó Thống đốc cũng mong muốn VABA, DN hàng không, chia sẻ với ngành Ngân hàng, chung tay cùng ngành Ngân hàng để cùng nhau vượt qua khó khăn./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam