Doanh nghiệp nông nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

11:05 | 29/09/2021 Print
(TBTCVN) - Các doanh nghiệp cùng các địa phương và ngành nông nghiệp đang sẵn sàng phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, nhằm đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và lấy lại đà phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp nông nghiệp tích cực sản xuất, kinh doanh để phục hồi kinh tế.

Các doanh nghiệp nông nghiệp tích cực sản xuất, kinh doanh để phục hồi kinh tế. Ảnh: Hà Hạnh

Xây dựng kịch bản, nỗ lực phục hồi

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do đại dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp và địa phương đã chủ động duy trì sản xuất cũng như lên kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh.

Công ty Kim Minh International là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu rau củ quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây. Theo bà Lưu Vũ Ngọc Ngân - Phó Giám đốc Công ty Kim Minh International, để khắc phục những khó khăn, nhằm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu, công ty đã đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm và tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới. Đây là một trong những phương thức phù hợp mà các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu lựa chọn trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trực tiếp đàm phán với khách hàng nhập khẩu để họ chấp nhận chia sẻ rủi ro về giá cước tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và bảo đảm được lợi nhuận bền vững.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, dự kiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2021 sẽ đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD. Chuẩn bị cho tái sản xuất và phục hồi, đáp ứng các đơn hàng cho “mùa hàng” cuối năm đã và đang được các doanh nghiệp chú trọng và lên các phương án. Theo đó, từ đầu năm đến nay, dù giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn tăng lượng nhập khẩu để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ... Đơn cử, trong 8 tháng năm 2021, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 4 triệu m3 quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An Nguyễn Quốc Trịnh dự báo, thị trường xuất khẩu sau nới lỏng giãn cách vì dịch Covid-19 của thanh long nói riêng và các mặt hàng nông lâm thủy sản nói chung sẽ tăng mạnh trở lại vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, vì tất cả các thị trường đều thiếu hụt nguồn hàng. Hiệp hội sẽ chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng và khuyến cáo của cơ quan chức năng để thay đổi một cách cơ bản tư duy tiếp cận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Từ đó, hiệp hội sẽ xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh lâu dài, mạng lưới phân phối, thương hiệu, mẫu mã, bao bì dành riêng và đăng ký bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu; nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa của thị trường trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh sẽ phải sống chung với dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của bộ này là triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 4 quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương.

Xác định phải “sống chung với dịch Covid-19”, nhiều địa phương đã chủ động phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp, sẵn sàng tăng quy mô sản xuất ngay khi nới giãn cách.

Điển hình như tại Đồng Nai, ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện các địa phương đang khẩn trương đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp. Song song đó, cơ quan quản lý tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm phát huy vai trò, vị thế của kinh tế tập thể, hệ thống hợp tác xã trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ NN&PTNT xác định việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của bộ. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, bộ điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 nhằm bảo đảm vừa phòng chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa cung ứng đủ lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Đồng thời, bộ này chuẩn bị kế hoạch khôi phục sản xuất nông nghiệp trong mùa vụ tới, nhất là các vụ lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long; tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản với các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) và có giá trị kinh tế cao; đẩy nhanh tiến độ xây dựng mã định danh vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi,...

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản. Bộ cũng xây dựng các giải pháp khắc phục các chuỗi ngành hàng, đặc biệt các ngành hàng xuất khẩu; đảm bảo đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 khoảng 44 tỷ USD; tổ chức các diễn đàn kết nối tiêu thụ các loại nông sản có quy mô lớn vùng Tây Nguyên, khu vực miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, với Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng, đồng thời đưa đa số này trở lại hoạt động. Bên cạnh đó, các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, và các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động... cũng ưu đãi cho nhóm đối tượng này. Đây được xem là đòn bẩy cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và các ngành hàng nông lâm thủy sản nói chung phục hồi trong quý 4/2021.

Nam Khánh

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam