Tháo gỡ 2 “điểm nghẽn”, thúc đẩy giao thông thủy phát triển

09:26 | 01/10/2021 Print
(TBTCVN) - Dự án đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt sông Đuống) và dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) giai đoạn 2 đã được các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư.

Hành lang đường thủy số 1 (Quảng Ninh - Việt Trì qua sông Đuống)

Hành lang đường thủy số 1 (Quảng Ninh - Việt Trì qua sông Đuống) là tuyến vận tải thủy quan trọng trong lưu thông hàng hóa.

Việc thực hiện các dự án này với kỳ vọng xóa bỏ 2 “điểm nghẽn” tại 2 hành lang vận tải thủy phía Nam và phía Bắc, thúc đẩy giao thông thủy phát triển, san sẻ gánh nặng với đường bộ…

Đề xuất xây dựng mới cầu đường sắt sông Đuống

Theo Ban quản lý dự án (QLDA) 6, dự án sẽ tiến hành đầu tư xây dựng mới cầu đường sắt sông Đuống về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5m và xây dựng mới cầu đường bộ theo quy hoạch để tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt. Trong đó, khổ thông thuyền cầu đường bộ cấp II (rộng 50m, cao 9,5m), khổ thông thuyền đường sắt cấp II hạn chế tĩnh không (rộng 50m, cao 7m). Dự án cũng tiến hành xây dựng cầu Đuống đường bộ có điểm đầu tại vị trí nút giao khu vực chân cầu Đuống hiện hữu trên đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên), điểm cuối tại khu vực nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu (huyện Gia Lâm). Tim cầu Đuống đường bộ cách tim cầu hiện hữu khoảng 100m về phía hạ lưu.

Mặt cắt ngang cầu Đuống đường bộ rộng 16m. Đường dẫn hai đầu cầu rộng 39m, mặt đường bê tông nhựa hai lớp trên móng cấp phối đá dăm. Trên tuyến sẽ bố trí các nút giao tại đầu tuyến và cuối tuyến, hệ thống chiếu sáng,… Ban QLDA 6 đưa ra 3 phương án kết cấu cầu Đuống đường bộ: cầu vòm thép, nhịp chính dài 100m; cầu Extradosed, nhịp chính dài 120m; cầu đúc hẫng, nhịp chính dài 120m. Sau khi phân tích, so sánh ưu nhược điểm các phương án, Ban QLDA6 kiến nghị lựa chọn phương án 1 (cầu vòm thép, nhịp chính dài 100m), bởi phương án này có chiều dày kết cấu thấp nhất đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật thiết kế, chi phí thấp nhất và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.793 tỷ đồng, sử dụng nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, chi phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã chiếm gần 50% (776,2 tỷ đồng). Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được tách thành tiểu dự án và giao cho UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện. Để triển khai dự án này, các vấn đề về kỹ thuật hoàn toàn xử lý được nhưng khó khăn nhất sẽ là công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Chuẩn bị khởi công dự án cải tạo, nâng cấp kênh Chợ Gạo

Theo Ban Quản lý các dự án đường thủy Bộ GTVT, dự án đầu tư nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II hiện đang được Bộ GTVT đánh giá, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, dự toán. Dự kiến trong tuần đầu tháng 10/2021, đơn vị quản lý dự án sẽ phát hành hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà thầu thi công.

Công tác giải phóng mặt bằng dự án đang được địa phương triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Dự án sẽ được khởi công trong tháng 12/2021 và hoàn thành sau 18 tháng thi công, vào giữa 2023.

Theo quy mô được Bộ GTVT phê duyệt, dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 1.336 tỷ đồng. Dự án sử dụng gần 30ha đất, với khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng, nhằm nạo vét mở rộng luồng đường thủy gần 10km kênh Chợ Gạo (từ Km12+000-Km21+850), xây dựng công trình bảo vệ bờ Nam kênh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh… Sau khi cải tạo, đoạn luồng trên đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II, với chiều sâu hơn 3,5m, rộng hơn 50m và bán kính cong lớn hơn 500m, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn.

Kênh Chợ Gạo gồm 3 đoạn: Rạch Lá (10,2km), Chợ Gạo (11,6km) và rạch Kỳ Hôn (6,8km) qua địa phận huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và một phần qua tỉnh Long An, là tuyến đường thủy huyết mạch nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn năm 2004, dự án đầu tư cải tạo kênh Chợ Gạo hoàn thành giai đoạn I, giúp cải tạo tuyến đường thủy này đạt chuẩn kỹ thuật cấp III và thảm đá 2,5km bờ kênh phía Bắc bị sạt lở nghiêm trọng.

Những năm gần đây, số lượng phương tiện thủy lưu thông qua tuyến kênh Chợ Gạo tăng nhanh, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 lượt phương tiện chở hàng loại trọng tải 200 tấn đến hơn 1.000 tấn lưu thông, trong khi độ sâu và chiều rộng luồng hạn chế, gây ra ùn tắc giao thông và sạt lở bờ kênh.

Được biết, trường hợp được cấp thẩm quyền thông qua, dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống sẽ tiến hành triển khai các bước tiếp theo, tiến tới tổ chức thi công hoàn thành dự án vào năm 2025, góp phần thúc đẩy phát triển hành lang đường thủy số 1 (Quảng Ninh - Việt Trì trên sông Đuống) là tuyến vận tải thủy quan trọng trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng container, các loại hàng rời như vật liệu xây dựng, a-pa-tít, phân bón... từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến tỉnh Phú Thọ cùng các tỉnh lân cận và ngược lại.

Trí Dũng

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam