Nguyên thủ, chuyên cơ và nỗi niềm dân

22:31 | 30/09/2021 Print
(TBTCVN) - Chỉ tay lên tấm bảng hiệu Pfizer, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói với lãnh đạo tập đoàn: “Chỉ trong một thời gian rất ngắn mà người dân Việt Nam đều đã biết đến cái tên này”. Đáp lại, lãnh đạo Pfizer cam kết năm nay cung cấp cho Việt Nam đủ 31 triệu liều vắc-xin.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và vận động ngoại giao vắc-xin tại Tập đoàn Pfizer,

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và vận động ngoại giao vắc-xin tại Tập đoàn Pfizer, New York, Hoa Kỳ. Ảnh: TL

Tất bật ngược xuôi

Ở vị trí của một nguyên thủ quốc gia, với lịch trình làm việc dày đặc ở NewYork, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không nề hà việc tất bật ngược xuôi để có được vắc-xin cho người dân. Ông cố gắng dành thời gian đến tận trụ sở của Pfizer. Tại đây, Chủ tịch nước đề cao vai trò tích cực của Pfizer trong các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là phát triển thành công vắc-xin được toàn thế giới công nhận là một “vũ khí” hiệu quả cao để khống chế đại dịch. Lãnh đạo tập đoàn Pfizer cam kết với Chủ tịch nước sẽ cung cấp cho Việt Nam trong năm nay đủ 31 triệu liều vắc-xin cho người trưởng thành và cung cấp 20 triệu liều cho trẻ em, khi Pfizer có đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn.

Trong hơn 3 ngày ở New York, Chủ tịch nước đã gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lớn như: Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); cùng với đó là khoảng 20 cuộc gặp, trao đổi với gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới. Có ngày, ông có hơn 20 cuộc làm việc dành cho công tác ngoại giao vắc-xin.

Tầm và tâm

Có người nói “ý tứ” với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rằng, việc đến tận trụ sở Tập đoàn Pfizer để thúc giục việc cung cấp vắc-xin, thì có vẻ làm giảm “oai”, tầm của một nguyên thủ quốc gia. Ông đáp: “Trong lúc người dân đang rất mong mỏi có vắc-xin để tiêm, mà chỉ nghĩ đến tầm, vậy tâm với người dân thì sao?”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bên lề khóa họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp quốc tại New York, đã cho biết nước này sẽ cung cấp cho Việt Nam ít nhất 1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong tháng 10 tới. Đây sẽ là số vắc-xin đầu tiên mà Hàn Quốc viện trợ cho nước ngoài. Cũng trong cuộc trao đổi với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đề cập đến cam kết mới về đóng góp nửa tỷ liều vắc-xin của Tổng thống Joe Biden, tại Hội nghị thượng đỉnh Covid-19 toàn cầu và chắc chắn rằng, tới đây Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được thêm vắc-xin từ Mỹ, qua cơ chế COVAX.

Còn tại Cuba, những người bạn Cuba dẫn lại lời Lãnh tụ Fidel Castro nói gần nửa thế kỷ trước, trong chuyến thăm Việt Nam: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình", để nói với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi ông đến La Habana: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng chia sẻ vắc-xin của mình". Dù nguồn vắc-xin trong nước chưa đủ cho toàn dân, nhưng Cuba đã cam kết cung cấp 10 triệu liều vắc-xin Abdala và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam, trước mắt giao ngay 1 triệu liều vắc-xin trong chuyến thăm của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.

Trên hai cánh bay

"Vận động hỗ trợ vắc-xin và phòng chống dịch bệnh là chủ đề xuyên suốt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của đoàn ta ở các cấp, các kênh" - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khái quát lại về chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cuba từ ngày 18 - 21/9; tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thực hiện các hoạt động song phương tại New York, Hoa Kỳ từ ngày 21 - 24/9.

“Thượng khách” vắc-xin

Tại Việt Nam, giờ đây có hai câu văn vần được lưu truyền trong dân gian rằng: “Ngày xưa mong ước đủ điều/ giờ chỉ muốn đủ hai liều vắc-xin”. Cũng vì nỗi niềm này của người dân, trên hai cánh bay của chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, vắc-xin đã trở thành “thượng khách”. Trong chuyến đi châu Âu những ngày đầu tháng 9 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, không gian của chuyên cơ cũng được ưu tiên tối đa để dành cho các vị “thượng khách” này.

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh với chủ đề “Chấm dứt đại dịch Covid-19 và xây dựng lại tốt hơn”, do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chủ trì tổ chức nhân dịp Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho mọi người dân. Đồng thời, để ủng hộ tiếp cận công bằng vắc-xin, Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD cho COVAX và sẽ xem xét tiếp tục đóng góp cho COVAX, trong thời gian tới. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã thành lập Quỹ Ứng phó Covid-19 vào năm 2020 và mới đây đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD từ quỹ này để mua vắc-xin cho các nước thành viên.

“Trước kẻ thù dịch bệnh, bảo vệ sinh mạng và sức khoẻ của người dân phải là ưu tiên hàng đầu” - đó là điều mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc đến, trong mọi cuộc ngoại giao vắc xin. Trên chuyên cơ chở Chủ tịch nước và đoàn công tác, vắc-xin đã được ưu tiên dành “chỗ ngồi” ở mức tối đa. Không gian chuyên cơ còn dành để ưu tiên cho các trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác chống dịch, có được từ sự hỗ trợ của nhiều đối tác như: Tập đoàn Northwestern Medicine hỗ trợ thiết bị y tế trị giá 3,8 triệu USD; Công ty Thermo Fisher cung cấp 270.000 bộ test kit, trị giá 2 triệu USD; ông David Duong - Việt kiều tại Hoa Kỳ, hỗ trợ 1.000 máy trợ thở…

Bên chân cầu thang

Tối 25/9/2021, khi cánh cửa chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa mở ra, sau hơn 20 giờ bay qua nửa vòng trái đất, ngay tại chân cầu thang máy bay, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận vắc-xin, trang thiết bị và vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 được chuyển về Việt Nam cùng đoàn công tác của Chủ tịch nước.

Trong khuôn khổ chuyến công tác này, Việt Nam nhận được những cam kết và sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước, các đối tác quốc tế, các công ty nước ngoài. Bên cạnh 1,05 triệu liều vắc xin Abdala của Cuba chuyển về nước theo chuyên cơ của Chủ tịch nước, các nước, các đối tác đã cam kết viện trợ và cung cấp 1,5 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam. Ngoài vắc-xin, nhiều đối tác và kiều bào tại Hoa Kỳ đã hỗ trợ vật phẩm y tế, với trị giá 8,8 triệu USD…

Bên cạnh số vắc-xin và thiết bị vật tư y tế được vận chuyển cùng với chuyên cơ của Chủ tịch nước, do Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines vận chuyển, chuyến bay đặc biệt của Hãng Hàng không Bamboo Airways cũng đã hạ cánh cùng lúc tại sân bay Nội Bài, chuyên chở về Việt Nam nhiều tấn thiết bị và vật tư y tế được các đối tác Hoa Kỳ tài trợ.

Trước đó, chiều 12/9/2021, cũng ngay khi chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam hạ cánh ở sân bay Nội Bài, sau 6 ngày công tác tại châu Âu, “thượng khách” là 200.000 liều vắc-xin, cùng các trang thiết bị và vật tư y tế, các bộ kit xét nghiệm Covid-19, với tổng trị giá trên 1.028 tỷ đồng đã lập tức được bàn giao tại chân cầu thang máy bay. Chuyên cơ của Vietnam Airlines là tàu bay Boeing 787-9, một trong những tàu bay lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Lịch sử ngoại giao của Việt Nam chắc chắn không thể nào quên những ngày thật đặc biệt này. Đó là những ngày đất nước gặp nạn vì đại dịch, những lãnh đạo chủ chốt của đất nước ngày đêm lặn lội vận động tìm kiếm nguồn cung vắc-xin, với mệnh lệnh thôi thúc từ trong trái tim: “Phải bảo vệ cho được sức khỏe và tính mạng của người dân!”.

Đoàn Trần

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam