Nhắm trúng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp

08:37 | 01/10/2021 Print
(TBTCVN) - Trước bối cảnh doanh nghiệp đang trong tình trạng sức chống chịu đã chạm đáy, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần được hỗ trợ bằng những biện pháp thiết thực hơn với phạm vi rộng hơn, tác động tức thì…

Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp luôn có sự đồng hành hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng.

Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp luôn có sự đồng hành hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng.

GS. TS Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

PV: Sau những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp (DN), nhất là về tài chính hiện nay?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Đại dịch Covid-19 bùng phát, nhất là trong lần thứ 4 vừa qua với diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội kéo dài nhiều đợt, đã khiến cho nền sản xuất kinh doanh bị đinh trệ, kéo theo sức khỏe của rất nhiều DN bị bào mòn, kiệt qụê.

GS. TS Trần Thọ Đạt

GS. TS Trần Thọ Đạt

Thực tế cho thấy, dòng tiền của các DN bị suy giảm nghiêm trọng do chi phí sản xuất, xuất khẩu gia tăng cùng với rất nhiều chi phí chống dịch phát sinh, trong khi nguồn thu thì hạn chế. Theo thống kê của nhiều cuộc điều tra, tỷ lệ các DN đang gặp phải vướng mắc, khó khăn về tài chính chiếm số lượng lớn, khiến họ khó duy trì sản xuất kinh doanh.

PV: Thưa ông, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, với tổng số tiền của gói hỗ trợ này lên đến 21,3 nghìn tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về chính sách hỗ trợ này?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Trong gần hai năm qua, trước sự khó khăn của cộng đồng DN luôn có sự đồng hành hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng; trong đó, không thể không kể đến vai trò quan trọng của Bộ Tài chính. Ngay từ thời gian đầu xảy ra đại dịch, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến thực tế trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, từ đó tập trung nghiên cứu và kịp thời trình ban hành các chính sách giảm gánh nặng về tài chính cho doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng ta ghi nhận sự tham gia thực thi trực tiếp của ngành Thuế trong việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… cho DN và hộ kinh doanh.

Liều thuốc mạnh

“Tôi cho rằng, đây là “liều thuốc mạnh” để làm cho những “tế bào” trong nền kinh tế là doanh nghiệp (DN) có cơ hội vượt qua “cửa tử”, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Qua đó, chính sách này cũng thể hiện một cách sâu sắc sự đồng hành, quan tâm của Nhà nước đối với DN, người dân để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, tiếp tục hoạt động, góp phần khôi phục lại nền kinh tế, thực hiện an sinh xã hội”. - GS. TS Trần Thọ Đạt

Từ đầu năm đến nay, ngành Tài chính đã tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cũng như miễn, giảm các khoản thuế, phí và lệ phí với số tiền ước tính khoảng 118.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, khi mà phần lớn DN đang trong tình trạng sức chịu đựng, chống chọi đã chạm đáy. Hơn lúc nào hết, DN cần được hỗ trợ bằng những biện pháp thiết thực hơn với phạm vi rộng hơn, tác động tức thì hơn. Do đó, dự thảo do Bộ Tài chính xây dựng với các giải pháp về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… thực sự vô cùng cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế, nhắm trúng và hỗ trợ đúng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.

Với phạm vi DN được thụ hưởng mở rộng, từ những DN vẫn đang duy trì sản xuất cho đến những DN phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa, bị âm dòng sản xuất trong thời gian vừa qua; cộng thêm sự tác dụng nhanh chóng, tức thì… tôi cho rằng, đây là “liều thuốc mạnh” để làm cho những “tế bào” trong nền kinh tế là DN có cơ hội vượt qua “cửa tử”, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Qua đó, chính sách này cũng thể hiện một cách sâu sắc sự đồng hành, quan tâm của Nhà nước đối với DN, người dân để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, tiếp tục hoạt động, góp phần khôi phục lại nền kinh tế, thực hiện an sinh xã hội.

PV: Theo ông, làm thế nào để các giải pháp này được thực thi một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhất là đối với cơ quan thực thi trực tiếp là ngành Thuế và đối tượng thụ hưởng là DN, người dân?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Suy cho cùng, điều quan trọng nhất hiện nay chính là sự tồn tại của DN dưới tác động nặng nề của bão dịch. Hơn thế nữa, chúng ta đều biết, trong vấn đề hỗ trợ, tính kịp thời là vô cùng quan trọng bởi trong lúc DN đang sống dở chết dở thì dòng tài chính như “chiếc phao cứu sinh” giúp DN được sống.

Vì vậy, trước hết việc ban hành các giải pháp hỗ trợ cần đảm bảo nguyên tắc đơn giản, minh bạch, tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật về thuế, dễ hiểu, tạo thuận lợi tối đa để DN, người dân dễ thực hiện.

Đặc biệt, để đạt được hiệu quả thì khi chính sách ban hành ra cần phải có phương thức để thực hiện ngay, nhất là đối với chính sách có phạm vi, độ phủ rộng như thế này.

Riêng ngành Thuế, trước hết cần phải có hướng dẫn rõ ràng, minh bạch và phổ biến một cách rộng rãi tới toàn bộ cộng đồng DN trong thời gian nhanh nhất để chính sách của chúng ta có hiệu lực nhanh chóng, tức thì.

Trên cơ sở, sự hỗ trợ của Nhà nước nói chung, ngành Thuế nói riêng, DN cần nghiên cứu kỹ chính sách cũng như các điều kiện để được thụ hưởng, qua đó chuẩn bị đầy đủ các thủ tục, đáp ứng đầy đủ yêu cầu… chỉ có như vậy cơ chế hỗ trợ của Nhà nước mới đạt được hiệu quả cao nhất.

Về lâu dài DN cần phải định hình, xây dựng kế hoạch phục hồi sát với chiến lược chống dịch mới linh hoạt, an toàn. DN cũng cần có những thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với bối cảnh và yêu cầu của nền kinh tế giai đoạn sau đại dịch. DN phải hiểu rằng, chúng ta không phải phục hồi một nền kinh tế giống y như trước đại dịch mà là một nền kinh tế mới để thay đổi cơ cấu sản xuất, tái cấu trúc, chuyển đổi số, hướng tới nền sản xuất bền vững hơn, hiện đại hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp bế tắc chưa từng thấy, cần liều trợ lực chưa từng có

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến doanh nghiệp (DN) vốn đã bị tổn thương trước đó lại càng trở nên yếu ớt hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi nguồn thu bấp bênh, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn DN đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhất là tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành phía Nam. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, chưa bao giờ tiếp nhận nhiều phản ánh, kêu cứu từ DN đến như vậy.

Đặc biệt, các DN cho biết “đau đầu” nhất với bài toán về dòng vốn để vận hành sản xuất - kinh doanh. Bởi DN đang kiệt quệ do thời gian qua phải chi trả cả “rừng” chi phí: từ chi phí chống dịch, chi phí ổn định sản xuất cho đến các chi phí phát sinh tăng cao do vận chuyển tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng…

Có thể thấy, hiện khó khăn mà DN đang phải đối mặt là nghiêm trọng và chưa từng có. Do đó rất cần các giải pháp mạnh mẽ, những “liều trợ lực” mạnh mẽ chưa từng thấy. Theo đó, cộng đồng DN mong muốn Nhà nước cấp bách thực hiện những chương trình hỗ trợ cụ thể và có sức nặng về tài chính, điển hình như miễn giảm thuế, phí, hạ lãi suất vay vốn, các khoản trích nộp ngân sách nhà nước… để giảm bớt gánh nặng về tài chính, có nguồn lực vực dậy sản xuất, phục hồi sau đại dịch.

Tố Uyên (thực hiện)

Tố Uyên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam