Bài 2: Dòng tiền ngoại vẫn ở lại và điểm sáng từ ETF

08:53 | 01/10/2021 Print
(TBTCVN) - Theo các chuyên gia, mặc dù liên tục bán ròng, nhưng đây chủ yếu là hoạt động tái cơ cấu danh mục hoặc “chốt lời” của nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn ngoại vẫn ở lại TTCK Việt Nam và sẵn sàng “tham chiến”, khi rủi ro từ dịch bệnh toàn cầu giảm và cơ hội đầu tư xuất hiện trở lại.

Đồ họa: DUY DŨNG

Đồ họa: Duy Dũng

>> Thị trường Chứng khoán Việt Nam gia tăng sức hút với dòng vốn quốc tế

Dòng vốn ngoại không chỉ vào các cổ phiếu tiềm năng trên thị trường, mà còn có thể gia tăng mạnh qua kênh ETF – một điểm sáng đã được chứng minh.

Vốn ngoại vẫn ở lại và tìm cơ hội giải ngân

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính từ đầu năm đến đầu tháng 9/2021, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài (NN) đã bán ròng khoảng 30.730 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, nhưng lại mua ròng khoảng 10.800 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu chính phủ. Như vậy, tính chung trên thị trường chứng khoán (TTCK), khối ngoại đã bán ròng chỉ khoảng 19.880 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,8 tỷ USD.

Việc khối ngoại bán ròng cũng là xu thế chung của nhiều thị trường quốc tế. Riêng trên thị trường cổ phiếu, với mức bán ròng 30.730 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD) tại thị trường Việt Nam, thấp hơn nhiều so với giá trị bán ròng của thị trường các nước khu vực: Thái Lan (3,4 tỷ USD), Philippines (1,7 tỷ USD), Malaysia (1,4 tỷ USD),…

Về giá trị rút ròng, tính từ đầu năm tới đầu tháng 9, NĐTNN đã rút ròng ra khỏi Việt Nam khoảng 344 triệu USD - rất thấp so với mức rút ròng ở các nước trong khu vực và chưa có dấu hiệu rút vốn đột biến nên việc rút ròng này chưa đáng quan ngại. Số liệu thống kê từ UBCKNN cũng cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trong tổng giá trị danh mục của NĐTNN vẫn tương đối ổn định ở mức cao từ đầu năm đến nay.

“Dù có rút ròng nhẹ nhưng so sánh với tổng giá trị danh mục (chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng giá trị danh mục) và giá trị bán ròng, có thể cho thấy, NĐTNN bán ròng chủ yếu là để tái cơ cấu danh mục, chứ không phải hoàn toàn rút vốn. Mặt khác, cùng với việc số lượng tài khoản NĐTNN vẫn tăng tốt, đã cho thấy tín hiệu khả quan rằng, NĐTNN vẫn tin tưởng vào TTCK Việt Nam” – đại diện UBCKNN nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Quốc Đạt - Giám đốc Phát triển khách hàng tổ chức, Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI, cũng cho rằng: “Có những thời điểm NĐTNN bán là để nâng tỷ trọng tiền mặt và chờ cơ hội giải ngân khi thị trường điều chỉnh. Nhưng cũng có những lúc họ bán do nhu cầu phân bổ tài sản sang những thị trường khác hoặc những loại tài sản khác. Trong thời gian qua, các quỹ bán ròng mạnh nhất đa phần là do bị rút vốn và dòng vốn này chảy về những thị trường khác như Mỹ, châu Âu hoặc một số nước mới nổi khác như Ấn Độ”.

SSI Research: Xu hướng dòng vốn ngoại có thể thay đổi khi dịch được kiểm soát

Các chuyên gia của SSI Research cho biết, diễn biến bán ròng mạnh của khối ngoại ở thị trường Việt Nam mang tính chất tạm thời và nhìn chung phù hợp với tình hình khó lường của dịch bệnh. Hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Mặc dù vậy, khả năng kiểm soát được dịch Covid-19 trong thời gian tới sẽ là tín hiệu quan trọng giúp xu hướng dòng vốn có thể thay đổi. Chính phủ hiện tại đã chuyển chiến lược từ “ngăn chặn dịch bệnh” sang “sống chung với Covid-19” nhằm có thể đối phó với chủng Delta và duy trì hoạt động sản xuất.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán MB (MBS), cũng chia sẻ: “Mặc dù bán ròng nhưng khối ngoại vẫn có sự cơ cấu danh mục, vẫn lựa chọn những cơ hội tiềm năng để ở lại, quy mô dòng vốn ngoại nửa đầu năm 2021 vẫn cao hơn so với thời điểm cuối năm 2020. Ngoài ra, đồng tiền Việt Nam không bị mất giá như các đồng tiền trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc,… nên khối ngoại chỉ bán ròng và tái cơ cấu danh mục chứ không phải rút ròng”.

ETF nội sẽ tiếp tục là “điểm sáng” trong thu hút vốn ngoại

Ông Ngô Quốc Hưng cho biết, theo thống kê, dòng vốn vào các quỹ ETF (hoán đổi danh mục) cổ phiếu trên thế giới trong nửa đầu năm 2021 đã vượt xa con số cả năm 2020. Do vậy, đầu tư vào các quỹ ETF cổ phiếu đang trở thành xu hướng. Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 13 quỹ ETF (trong đó có 7 quỹ ETF nội), với tổng giá trị tài sản quản lý là 2,28 tỷ USD. “Có thể nói, thị trường Việt Nam đã bắt kịp xu hướng trên thế giới về nhu cầu đối với các sản phẩm ETF, trong đó các quỹ ETF nội đang dần khẳng định được vị thế. Hiệu suất hoạt động kể từ đầu năm cho tới nay của các quỹ ETF nội là rất ấn tượng, trong đó, quỹ DCVFMVN Diamond và SSIAM VNFIN LEAD tăng trưởng lần lượt 44,65% và 45,93%” – chuyên gia của MBS nói.

Còn theo ông Phạm Quốc Đạt, các quỹ ETF nội từ đầu năm đến nay huy động được khoảng 200 triệu USD, tuy không phải là con số quá nhiều nhưng đặt trong bối cảnh NĐTNN bán ròng 1,3 tỷ USD toàn thị trường thì đúng là điểm sáng. Trong số các ETF nội thì chủ yếu dòng tiền huy động được đến từ 2 quỹ là DCVFMVN Diamond và VNFIN LEAD. “Nhìn chung, đầu tư vào ETF là xu hướng chung đang diễn ra trên toàn cầu bởi cấu trúc đơn giản, chi phí quản lý rẻ và hiệu quả đầu tư tốt so với các loại hình đầu tư khác” – ông Đạt nói.

Ông Hồ Minh Trí – Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Quản lý qũy SSI (SSIAM) cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù một số quỹ ETF bị rút vốn, tuy nhiên tính tổng thể trên thị trường, các quỹ ETF nội vẫn đang hút ròng vốn, đồng thời gia tăng về quy mô nhờ hiệu quả đầu tư tốt của quỹ.

Các quỹ ETF ngoại mặc dù thu hút dòng tiền lớn từ NĐT, tuy nhiên vẫn chịu giới hạn về “room” sở hữu nước ngoài đối với các cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. Vì vậy, theo ông Trí, đây là cơ hội lớn để các quỹ ETF nội tham gia vào cuộc chơi khi mà NĐT ngoại có thể gián tiếp sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam bị hết “room” thông qua việc đầu tư vào các ETF nội.

Bên cạnh đó, “ETF giúp NĐT đa dạng hóa danh mục, đầu tư một cách chiến lược vào nhóm cổ phiếu bluechips, hoặc vào những ngành nhiều tăng trưởng nhất, với chi phí thấp, cách giao dịch thuận tiện. Tính đến nay, hiệu quả đầu tư của các quỹ ETF nội nhìn chung vẫn có sự vượt trội so với quỹ ETF ngoại cũng như các quỹ chủ động trên thị trường” – đại diện SSIAM nói thêm.

*Ông Phạm Quốc Đạt - Giám đốc Phát triển khách hàng tổ chức SSI: Khả năng khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh là không cao

Điểm sáng thu hút dòng vốn nước ngoài trong thời gian vừa qua đến từ Đài Loan, khi trong vòng 12 tháng qua, 2 quỹ Đài Loan đầu tư lớn nhất vào Việt Nam huy động được hơn 1 tỷ USD. Con số này kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công ty quản lý quỹ khác cũng muốn tận dụng sự quan tâm của NĐT Đài Loan đến TTCK Việt Nam, tương tự như cách mà dòng vốn từ Hàn Quốc chảy vào trong giai đoạn 2016 - 2018.

Nhìn chung, khả năng việc NĐTNN tiếp tục bán ròng mạnh trong thời gian tới là không cao; nếu có cũng không phải là việc quá lo ngại khi sự nhập cuộc của NĐT cá nhân trong nước đã, đang và sẽ giúp cân bằng lại áp lực bán.

*Ông Hồ Minh Trí – Giám đốc Phát triển kinh doanh SSIAM: Đẩy mạnh truyền thông để khối nội đầu tư nhiều hơn vào ETF

Dù có nhiều lợi ích cho cả NĐT trong nước, tuy nhiên hiện nay khách hàng của các quỹ ETF nội đa phần vẫn là NĐTNN, nhiều quỹ ETF lớn có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 90%. Do đó, bên cạnh việc thu hút NĐTNN, SSIAM cũng như các công ty quản lý quỹ trên thị trường vẫn cần phải tiếp tục truyền thông cho NĐT trong nước hiểu hơn về sản phẩm, thấy được những lợi thế vượt trội của quỹ ETF và tham gia đầu tư nhiều hơn.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam