Tận dụng tốt cơ hội chuyển đổi số cho xuất khẩu thủy sản

22:47 | 01/10/2021 Print
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại, thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam cần chuyển nhanh sang áp dụng chứng nhận điện tử. Đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhanh hơn, chi phí thấp hơn và an toàn hơn.

xkts

Ảnh: Thế giới và Việt Nam

Ngày 1/10, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Australia vẫn liên tục tăng thời gian qua, đặc biệt trong 8 tháng đầu năm 2021 tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và thích ứng an toàn với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia Andrew Metcalfe cho biết, Việt Nam là nước cung cấp đứng thứ 3 về tôm cho Australia từ các sản phẩm tôm sống đến tôm chế biến. Việt Nam cũng là nước chiếm 10% -12% cá vây nhập khẩu vào thị trường Australia, chủ yếu là cá tra, cá da trơn.

Ông Andrew Metcalfe đánh giá, thuỷ sản Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Australia tin tưởng và ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, để thuỷ sản Việt Nam ngày càng có mặt nhiều hơn tại thị trường Australia, hai bên cần tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để các nhà sản xuất của Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn tiêu chuẩn kiểm dịch của Australia.

Ông cũng khẳng định việc hai nước đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên thúc đẩy các hoạt động thương mại, trong đó có các doanh nghiệp thủy sản.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân và Phó Tổng thư ký VASEP Tô Thị Tường Lan cho biết, thuỷ sản Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn về Global Gap, ASC, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường phát triển nhất.

Trong thời gian tới, Việt Nam đặt kế hoạch tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất đi cùng với bảo vệ môi trường, sản xuất theo chuỗi khép kín, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để giám sát quy trình sản xuất, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu đảm bảo an toàn sinh học và thực phẩm.

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu Australia cho rằng, để tận dụng các các hiệp định tự do thương mại ASEAN-Australia và New Zealand (AANZFTA), CPTPP, RCEP mà hai nước là thành viên, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hợp tác liên quan đến các thủ tục thử nghiệm trong Hiệp định AANZFTA có thể tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam thời gian tới.

Đồng thời, việc các doanh nghiệp áp dụng thống nhất tiêu chuẩn SPS (các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật ) trong Hiệp định AANZFTA sẽ làm giảm khả năng gián đoạn thương mại và giúp ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tận dụng các cơ hội tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại, thúc đẩy chuyển đổi số, các nhà nhập khẩu Australia nhấn mạnh, Việt Nam cần chuyển nhanh sang áp dụng chứng nhận điện tử. Đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhanh hơn, chi phí thấp hơn và an toàn hơn, góp phần giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh đối với mặt hàng thủy sản, không chỉ ở thị trường Australia mà còn với các đối tác khác./.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam