Bộ Y tế đang thanh tra về giá sinh phẩm xét nghiệm

19:07 | 02/10/2021 Print
Bộ Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra do Thanh tra bộ làm trưởng đoàn đi kiểm tra các tỉnh về mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, để xem xét, chấn chỉnh về những vấn đề báo chí nêu.

GG

Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 2/10.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 diễn ra chiều 2/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, làm rõ nhiều vấn đề báo chí, dư luận quan tâm.

Bộ Y tế đã chỉ đạo nghiêm cấm tiêu cực trong mua sắm sinh phẩm xét nghiệm

Trong đó, liên quan đến vấn đề chi phí xét nghiệm Covid-19, đặc biệt là xét nghiệm nhanh, đang được cho là giá bán cao, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị cung ứng xét nghiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả.

Đến nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm, trong đó có 35 test xét nghiệm PCR và 39 test xét nghiệm kháng nguyên để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề cung ứng test Covid-19 phục vụ các doanh nghiệp và địa phương. Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp sinh phẩm xét nghiệm hàng tuần cập nhật công khai giá trên Cổng thông tin giá của Bộ Y tế để đảm bảo tính công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký, tạo ra sự lành mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Y tế, Bộ đã có rất nhiều công điện, văn bản chỉ đạo nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, lợi ích nhóm trong vấn đề này. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị; thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ xét nghiệm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, "Bộ Y tế cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn đi kiểm tra các tỉnh cần thanh tra trước để xem xét, chấn chỉnh như thông tin vừa rồi báo chí đã đưa", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay.

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Bộ Y tế đang tiến hành thanh tra, kiểm tra về giá sinh phẩm xét nghiệm. Tuy nhiên, giá các loại test xét nghiệm nhanh phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc, chất lượng, số lượng mua, thời điểm, diễn biến của dịch bệnh tại thời điểm mua. Một số doanh nghiệp tham gia mua test xét nghiệm cho công nhân, mua để hỗ trợ cho một số tỉnh, cho bà con nhân dân…, cho biết, họ vẫn mua bình thường, mua nhiều được giảm giá. Khuyến khích doanh nghiệp mua tài trợ cho tỉnh, thành phố, nhà máy, công nhân.

Sắp triển khai thí điểm Mobile Money trên cả nước

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc triển khai thí điểm Mobile-money.

Theo Phó Thống đốc, NHNN đã nhận được 3 đơn vị đăng ký triển khai hoạt động Mobile-money là: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT); Tổng công ty Viễn thông (MobiFone).

Các doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ theo đúng Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, NHNN đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của 2 bộ là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, bởi đây là vấn đề đòi phải hết sức chặt chẽ và đúng quy định.

Dự kiến trong tháng 10 này, 3 bộ sẽ thống nhất về hồ sơ của các đơn vị này. "Khi đủ điều kiện và được sự thống nhất chung của 3 bộ, sẽ quyết định cho cấp phép để 3 đơn vị triển khai dịch vụ này", đại diện NHNN cho biết.

Mobile-money là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), hết sức thuận tiện cho người dân nhưng cũng đòi hỏi hết sức an toàn, tránh lợi dụng. Do đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết cả 3 bộ cùng phải tham gia quản lý hoạt động này, bởi đây là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán.

Phó Thống đốc cũng cho biết việc triển khai thí điểm lúc đầu dự định tại một số địa phương. Tuy nhiên sau khi cân nhắc, Chính phủ sẽ cho triển khai đồng bộ trên cả nước, thời gian thí điểm khoảng 2 năm. Sau khi thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và cho triển khai chính thức./.

Liên quan đến Nghị quyết về miễn giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Nghị quyết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang được xem xét ban hành theo quy trình của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để được ban hành trong thời gian sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã chủ động trình Chính phủ và đang xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về Nghị định hướng dẫn thực hiện để Nghị quyết có thể được triển khai ngay sau khi ban hành.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam