Tinh gọn bộ máy đáp ứng hải quan thông minh

11:22 | 03/10/2021 Print
(TBTCVN) - Xây dựng tổ chức bộ máy hải quan 3 cấp (tổng cục, cấp vùng và cấp chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, thủ tục hải quan chuyển mạnh từ điện tử hóa sang số hóa, đạt được tiêu chuẩn hải quan số, hải quan thông minh là mục tiêu cốt lõi của chiến lược phát triển hải quan.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: HỒNG VÂN

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Ý tưởng này hứa hẹn mang lại lợi ích cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp và là bước đột phá của Chiến lược Phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030.

Bước đột phá từ hải quan liên tỉnh đến hải quan vùng

Dự thảo Chiến lược Phát triển hải quan giai đoạn 2021 – 2030 có đề cập đến việc tổ chức hải quan vùng theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan tập trung, thông minh. Chủ trương này được các cục hải quan tỉnh, thành phố lớn ủng hộ và cho rằng đây là xu thế tất yếu.

Trên thực tế, bộ máy tổ chức Hải quan Việt Nam được tổ chức theo 3 cấp (tổng cục, cục, chi cục) với 35 cục hải quan tỉnh, thành phố quản lý hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó có nhiều cục hải quan đảm đương việc quản lý nhà nước về hải quan đối với từ 3 đến 5 tỉnh, thành phố. Tiêu biểu là Cục Hải quan Hải Phòng, Long An, Hà Nội.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Kiên Giang cho rằng, thực hiện hải quan vùng là chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn bởi kinh tế - xã hội điều kiện địa lý của các tỉnh không giống nhau, nên không nhất thiết tỉnh nào cũng cần có cơ quan hải quan.

Kiện toàn tổ chức hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu

Đồng bộ với việc xây dựng, tổ chức bộ máy hải quan theo 3 cấp (tổng cục, vùng và chi cục), đảm bảo cho hoạt động hải quan đạt hiệu quả tối đa, ngành Hải quan cũng sẽ xây dựng hình thành các trung tâm chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu (đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sông, đường sắt); trung tâm phân loại hàng hóa; trung tâm quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; trung tâm kiểm tra hồ sơ hải quan.

Ngành Hải quan cũng sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai mô hình kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo tại Quyết định 38/QĐ-CP đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thực tế, từ khi có Luật Hải quan năm 2002 đến nay, Cục Hải quan Hải Phòng đã là mô hình liên tỉnh, quản lý nhà nước về hải quan gồm 5 tỉnh, thành phố, trong đó tại địa bàn Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình tổ chức hải quan theo cấp chi cục chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiệu quả cho thấy, tổ chức hải quan liên tỉnh và hiện nay dự định hình thành hải quan vùng mang lại lợi ích cho cơ quan hải quan, cho phép việc quản lý và chỉ đạo được đồng bộ cho cả vùng phát triển kinh tế được thông suốt, nhất quán.

“Việc tổ chức hải quan vùng sẽ tiết kiệm được nhân lực, chi ngân sách. Nếu như tỉnh, thành phố có hoạt động xuất nhập khẩu không nhiều mà tổ chức cấp cục hải quan làm cho bộ máy cồng kềnh, chi phí hành chính, thêm bộ phận trung gian cấp chi cục sẽ làm tăng biên chế, hoạt động kém hiệu quả” - ông Nguyễn Kiên Giang bày tỏ.

Thay đổi mạnh mẽ chức năng, nhiệm vụ cấp chi cục hải quan

Theo Tổng cục Hải quan, so với mô hình hải quan liên tỉnh, hải quan vùng có thay đổi mạnh mẽ về chức năng, nhiệm vụ của cấp chi cục. Hiện nay các chi cục hải quan đảm nhiệm đảm nhiệm toàn bộ công việc từ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan cho đến kiểm tra, giám sát, thông quan hàng hóa. Theo mô hình mới tổ chức hoạt động của bộ máy theo hướng mỗi hải quan vùng chỉ có một địa điểm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan. Các chi cục hải quan cửa khẩu có nhiệm vụ kiểm tra thực tế và giám sát hàng hóa khi thông quan.

Ủng hộ cải cách này, ông Nguyễn Kiên Giang cho hay, việc mỗi hải quan vùng chỉ tổ chức một đầu mối tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan là phù hợp với sự phát triển hải quan số, hải quan thông minh. “Cách tổ chức này tiết kiệm được nguồn nhân lực, đảm bảo chuyên môn sâu về nghiệp vụ hải quan, dữ liệu xuất nhập khẩu được xử lý tập trung, xử lý thủ tục hải quan được nhất quán đối với DN. Hạn chế được việc cùng một mặt hàng 2 chi cục áp mã HS, trị giá tính thuế khác nhau, không đảm bảo tính minh bạch, nhất quán, gây ảnh hưởng đến DN” - ông Nguyễn Kiên Giang nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Hải quan Long An Nguyễn Ngọc Huân cũng cho hay, mô hình hải quan liên tỉnh, hải quan vùng đã được đề cập từ khi xây dựng Luật Hải quan 54/2014/QH13 nhưng do điều kiện thực tế đến nay vẫn chưa triển khai được đầy đủ. Với xu thế hội nhập kinh tế thương mại quốc tế, yêu cầu đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do, đáp ứng yêu cầu liên kết dữ liệu xuất nhập khẩu giữa cơ quan hải quan với cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN thì việc phát triển hải quan vùng theo hướng hải quan số, hải quan thông minh là tất yếu.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Hải quan Nhật Bản có hoạt động thương mại lớn, chỉ chia làm 9 vùng và hoạt động rất hiệu quả, thay vì tổ chức thành nhiều bộ máy hải quan ở địa phương. Qua đó cũng tạo thuận lợi cho DN khi làm thủ tục xuất nhập khẩu được tập trung và thống nhất theo vùng.

Hiện nay, Cục Hải quan Long An quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn 3 tỉnh (Long An, Bến Tre, Tiền Giang), khi áp dụng mô hình hải quan vùng chắc chắn mang lại hiệu quả rõ rét hơn hiện nay. “Tuy nhiên việc triển khai cái mới bao giờ cũng khó khăn, vướng mắc, nhất là ở cấp chi cục có sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ và đòi hỏi chuyên môn sâu so với hiện nay. Do đó, cơ quan hải quan ở cấp vùng, chi cục phải thực hiện đồng bộ các bước từ tổ chức bộ máy cho đến đáp ứng công nghệ thông tin chuyển từ hải quan điện tử sang hải quan số và quan trọng nhất là chất lượng trình độ nguồn nhân lực phải được nâng lên đáp ứng được yêu cầu mới…” - ông Nguyễn Ngọc Huân nói.

Hải quan số, hải quan thông minh phi giấy tờ

Để thực hiện mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, Chiến lược Phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030 đưa ra lộ trình cụ thể theo 2 phân đoạn 2021 - 2025 và 2025 - 2030.

Theo đó, từ 2021 - 2025, ngành Hải quan hướng tới môi trường phi giấy tờ trong quản lý nhà nước về hải quan thông qua việc đẩy mạnh sử dụng chữ ký số đảm bảo: 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số với hệ thống chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan đặt mục tiêu 100% các thủ tục hành chính cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đồng thời được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia…

Đến năm 2030, ngành Hải quan phấn đấu 100% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa. 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan; 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan; 100% cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới…

Hải Linh

Hải Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam