TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp mong mỏi đủ điều kiện hoạt động trở lại

16:36 | 03/10/2021 Print
(TBTCVN) - Các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam vừa phải gồng mình đối mặt với dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Để doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh hoạt động trở lại, việc tăng cường thêm nhân lực y tế và thiết bị y tế trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ người dân là rất cần thiết.

Nguồn: Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh Đồ họa: HỒNG VÂN

Nguồn: Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh Đồ họa: HỒNG VÂN

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân quay trở lại nhà máy khi đã tiêm phòng vắc-xin, nối lại hoạt động đi lại giữa các tỉnh để đảm bảo lưu thông hàng hóa, logistics được thuận lợi… là những vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Doanh nghiệp quá tải chi phí

8 tháng qua, thực hiện mục tiêu kép, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam vừa phải gồng mình đối mặt với dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh có trên 1.500 nhà máy, doanh nghiệp, chỉ có 700 doanh nghiệp có thể thực hiện được “3 tại chỗ”, giữ chân được công nhân. Số công nhân còn làm việc chỉ khoảng 70.000 người. Tại khu công nghệ cao, trong suốt mùa dịch, doanh nghiệp đã phải bố trí công nhân ở các khách sạn ở quận 1, Phú Nhuận, TP. Thủ Đức, thậm chí thiếu chỗ phải thuê luôn cả các khách sạn 5 sao, chi phí tốn hàng triệu USD trong mấy tháng qua. Mặc dù lợi nhuận rất ít, thậm chí không có lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp cũng cố cầm cự để giữ đơn hàng, không để chuyển dịch qua các nước khác. Tuy nhiên, dù cố gắng thì cũng đã có trên 20% đơn hàng dịch chuyển sang các nước khác. Đơn cử như Nhà máy Furukawa chuyên sản xuất cung ứng dây điện cho Toyota, có 7.000 công nhân nhưng họ chỉ giữ lại số ít, còn lại chuyển nhà máy, thiết bị, robot xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nếu tình trạng giãn cách nghiêm ngặt kéo dài, buộc lòng họ phải chuyển ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, trường hợp một công ty nước ngoài tại Việt Nam chuyên làm đế giày cho Nike, doanh nghiệp này có tới 31.000 công nhân tại khu Linh Trung 1 và 2, nay họ đã đóng cửa hẳn. Thời gian qua, trên thị trường vắng bóng Nike nhưng thật ra do họ thiếu đế giày của doanh nghiệp này cung ứng nên không thể sản xuất được. Câu hỏi đặt ra tại thời điểm này, nếu số công nhân ở đây muốn quay trở lại làm việc, thì vấn đề lộ trình thế nào?

“Đối với loại hình da giày này, nếu làm việc với mật độ công nhân dày đặc thì cũng rất khó. Như ở Công ty Tân Quang Minh sau khi có trường hợp dịch xảy ra phải đóng cửa nhà máy. Đây là công ty của Việt Nam chuyên về giải khát. Doanh nghiệp này phản ánh với chúng tôi đã hai lần xin thẩm định hoạt động trở lại nhưng cũng gặp khó khăn, quá chậm. Do đó, cần phải đặt ra những biện pháp trong thời gian tới khi thực hiện 4 vùng xanh và bộ tiêu chí với doanh nghiệp sản xuất thì thực hiện như thế nào” - ông Bé thông tin.

Trước đó, riêng khu chế xuất, khu công nghiệp 6 tháng đầu năm, dù trong tình hình khó khăn, nhưng vẫn đạt trên 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và khu công nghệ cao có 85 nhà máy, cùng với hệ thống hoạt động ưu việt, đã đạt 16 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trên tổng sản phẩm giá trị. Nhưng nếu kéo dài tình trạng giãn cách, chi phí nhiều, trong khi công nhân làm việc “3 tại chỗ” nhiều tháng nay không về nhà, tâm lý cũng bất ổn và không có những biện pháp mạnh tay thì sẽ rất khó khôi phục chuỗi sản xuất cho doanh nghiệp.

Mở liên kết vùng là tối ưu

Tổng công ty cổ phần Bình Minh là đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng. Ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng giám đốc công ty cổ phần Bình Minh cho hay, doanh nghiệp ông gặp khó khăn trong liên kết vùng. Do doanh nghiệp có một số công trình tại các tỉnh, nhưng không có cách nào lưu thông vận chuyển vật liệu xây dựng vì đến đâu cũng bị “ngăn sông cấm chợ”. Ông Ngân cho rằng, tính liên kết vùng không mở ra được thì không có cách nào phục hồi sản xuất.

Đối với vấn đề lao động, doanh nghiệp Bình Minh hiện có 3 nhà máy và có 98% người lao động được tiêm mũi 1, khoảng 81% người lao động được tiêm mũi 2. Thế nhưng do dữ liệu cập nhật về tiêm vắc-xin chưa rõ ràng nên doanh nghiệp cũng chưa thể xây dựng phương án cụ thể cho vấn đề tái hoạt động trở lại khi không chuẩn bị nguồn lực lao động. Các doanh nghiệp đề xuất, khâu vận chuyển vẫn khó khăn, logisitcs vẫn không hoạt động, người lao động không đi làm được, vì vậy, TP. Hồ Chí Minh muốn tái lập hoạt động sản xuất kinh doanh nên có một định hướng chung rõ ràng để doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Với khoảng 300.000 người lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian giãn cách, có khoảng 15% còn hoạt động. Bên cạnh đó, hiện còn có khoảng 400.000 - 500.000 doanh nghiệp ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp truyền thống cùng hàng vạn hộ kinh doanh cá thể… Để thích ứng và sống chung trong môi trường mà bất cứ lúc nào ai cũng có thể trở thành F0, TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường thêm lực lượng y tế và các thiết bị, phương tiện để chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ người dân thuốc men, tư vấn y tế, thậm chí là nhập viện điều trị khi có nhu cầu về y tế, đặc biệt là có liên quan đến Covid-19.

UBND thành phố, Sở Y tế cần đầu tư, chuẩn bị tâm thế để hỗ trợ cho khâu này, đây cũng là điều kiện giúp doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải đóng cửa nếu có ca F0 tại doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tính toán phương án sản xuất an toàn nhất và người dân tuân thủ 5 K, tập quen cách sống an toàn trong môi trường có dịch.

Thích ứng sống chung an toàn với dịch

Theo quan điểm của Chính phủ là phòng chống dịch nhưng cũng phải thích ứng và sống chung với dịch, TP. Hồ Chí Minh đã tiêm vắc-xin ưu tiên cho 18 khu chế xuất, khu công nghiệp với 322.000 công nhân mũi 1.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: “Thành phố theo quan điểm “bình thường mới an toàn”, an toàn logistics là quan trọng nhất. Mặt khác, lĩnh vực có khả năng tạo ra năng lực phục hồi kinh tế cho thành phố đó là sản xuất về công nghiệp. Với điều kiện là chúng ta làm sao ưu tiên cho lực lượng sản xuất này có thẻ xanh thì chúng ta cơ bản từng bước phục hồi được kinh tế TP. Hồ Chí Minh”.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam