Nâng cao kỹ năng nghề cho lao động đóng vai trò cấp bách

21:19 | 04/10/2021 Print
Bối cảnh dịch bệnh, cùng cách mạng công nghiệp 4.0 khiến cho tất cả các doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu sản xuất. Điều này đặt ra vấn đề cần phải nâng cao kỹ năng cho người lao động để đáp ứng nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp.

trao bang khen

Trao thưởng cho các cá nhân có thành tích đặc biệt trong các kỳ thi kỹ năng nghề quốc tế. Ảnh: Minh Anh

Vấn đề một lần nữa được đặt ra cấp thiết nhân Hội thảo Quốc tế nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam chiều 4/10, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cùng với Phòng Cng nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tổ chức.

Tìm giải pháp nâng cao kỹ năng nghề cho lao động

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, thị trường lao động đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh và cách mạng 4.0, trong bối cảnh đó việc nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đóng vai trò quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Hà đề nghị: "Các bên phân tích, đánh giá kịp thời, chính xác và đầy đủ những tác động của đại dịch Covid-19 và cách mạng 4.0 đối với lao động, việc làm và thị trường lao động Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và chuẩn bị nhân lực có kỹ năng cho khôi phục kinh tế sau đại dịch giúp nền kinh tế thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho hay, tính đến quý II/2021, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 51,1 triệu người, trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 26,1%. Như vậy, số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ chưa được công nhận trình độ kỹ năng (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%; đồng thời, thiếu sự kết nối giữa giáo dục đào tạo với doanh nghiệp, xã hội.

Đại diện Tổng cục GDNN cho rằng, giá trị và tầm nhìn nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu về trình độ kỹ năng nghề theo cơ cấu về bậc trình độ, ngành nghề, số lượng người lao động. Theo đó, cần xây dựng cơ chế, tổ chức thực hiện chính sách nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, chuẩn hóa kỹ năng nghề của lực lượng lao động, thúc đẩy nâng tầm lao động Việt Nam tại nơi làm việc hoặc tự phấn đấu, trang bị kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động, dự báo nhu cầu kỹ năng lao động tương lai...

Bà Nguyễn Hồng Hà - Đại diện lâm thời Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá, phát triển kỹ năng cho người lao động luôn là ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là con đường để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu đề ra.

Theo chuyên gia đến từ ILO, triển vọng phục hồi việc làm là thách thức với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm, do vậy việc nâng cao kỹ năng cho người lao động là rất cần thiết.

Theo bà Hà, việc xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm cần đặt lên hàng đầu. Đồng thời, chính sách thúc đẩy các cơ hội cho người lao động dựa trên lợi thế kinh tế địa phương nhằm phát triển kỹ năng học tập một lần là đủ cho học tập suốt đời, nâng cao năng lực cho người lao động, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Đặt người học làm trung tâm, đáp ứng được nhu cầu của người học. Phát triển kỹ năng bao trùm cho người lao động cần đặc biệt quan tâm tới người yếu thế." - bà Hà chia sẻ.

Cần sự phối hợp nhiều đơn vị

Bà Trần Lan Anh - Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI), cho rằng doanh nghiệp (DN) có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng tầm kỹ năng nghề cho lao động.

VCCI đã khảo sát tại 400 DN về việc các kỹ năng lao động cần có. Theo đó, một số kỹ năng số được nhiều DN, người lao động rất coi trọng. Trên 80% DN lớn có nhu cầu sử dụng công nghệ cho phát triển. Trong khi đó, con số này với DN nhỏ chỉ khoảng 40 - 50%.

100% DN đều nhận thấy vai trò của dạy nghề, nhưng có tới hơn 40% DN trong khảo sát cho biết họ đánh giá thấp chất lượng GDNN tại địa phương và cho biết phải đào tạo lại khi tuyển dụng lao động.

Bà Lan Anh cho rằng, cần có khung tiêu chuẩn để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nhằm phù hợp với khung tiêu chuẩn trong nước quốc tế. Đây cũng là căn cứ để DN áp dụng khi cần đào tạo.

"Chúng tôi mong muốn Nhà nước đào tạo nhiều hơn những ngành nghề chất lượng cao, giao quyền tự chủ cho cơ sở DGNN, thực hiện minh bạch thông tin xếp loại cơ sở GDNN để các DN có thể chọn đối tác hợp tác đòa tạo" - bà Lan Anh nhấn mạnh.

Ông Tào Bằng Huy - đại diện Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết nguồn cung lao động đang giảm cực mạnh, giảm gần 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm (trong quý III là gần 1,6 triệu người) cao nhất trong 10 năm gần đây.

Ông Huy cho rằng, dịch bệnh và cách mạng 4.0 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội trong việc nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

"Khác với giáo dục hàn lâm, đào tạo nghề gắn với thực hành, gắn với DN. Dịch bệnh, DN không hoạt động được thì lao động cũng không có nơi thực hành" - ông Huy nói.

Tuy nhiên bản thân ông Huy cũng phân tích nhận thấy những yếu tố tích cực: "Kinh tế khó khăn, DN buộc phải tái cơ cấu lại sản xuất. Điều này khiến DN không thể sử dụng nhiều lao động nữa, thay vào đó sử dụng ít nhưng phải chất lượng. Đây là điều kiện thúc đẩy DN nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động".

Theo Tổng cục GDNN đến nay, đã có 199 nghề đã ban hành tiêu chuẩn Kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG); 96 nghề có ngân hàng đề thi KNNQG; hình thành hệ thống các tổ chức đánh giá KNNQG với 52 tổ chức phân bổ ở các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước. Cùng với đó, có 73.049 lượt người lao động được tổ chức đánh giá, trong đó có 63.246 người được công nhận, cấp chứng chỉ KNNQG.

Trong sáng 4/10/2021)nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã viết thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam