Bài 2: Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng

17:24 | 04/10/2021 Print
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: quyết tâm giữ vững địa bàn “An toàn - ổn định trong trạng thái bình thường mới”; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách, đầu tư công để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, tổng thu NSNN đạt 51.000 tỷ đồng.

xăng dầu b12

Xăng dầu B12 nộp NSNN lớn trên địa bàn Quảng Ninh. Ảnh: Huy Khánh

>> Quảng Ninh: Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước đạt 51.000 tỷ đồng

>> Quảng Ninh: Mạnh tay cắt giảm, điều chuyển vốn dự án chậm giải ngân

>> Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: Trong bối cảnh mới càng phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, nhất là vai trò trực tiếp, thường xuyên, hằng ngày, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp cơ sở sâu sát, cụ thể trong công tác tổ chức thực hiện; tăng cường nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân, người lao động là chủ thể, là trung tâm, là “chiến sĩ” quyết định sự thành công trong phòng, chống dịch.

Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả kịch bản tăng trưởng kinh tế quý IV và cả năm 2021 theo Nghị quyết số 02 ngày 2/12/2020, Kết luận số 266 ngày 16/6/2021, số 298 ngày 15/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 301 ngày 9/12/2020, số 15 ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 51.000 tỷ đồng.

Trong đó, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về dịch bệnh cho chuyên gia, kỹ sư, công nhân, lao động của ngành than, các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, các công trường xây dựng, nhà máy, xí nghiệp;

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn về dịch bệnh, nhất là ngành du lịch, dịch vụ; tạo thuận lợi nhất về thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa những tháng cuối năm;

Rà soát quy trình, giải quyết thuận lợi về lao động, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào địa bàn bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch; triển khai kịp thời, nghiêm túc các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid -19 theo các nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh;

Siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính - ngân sách nhà nước; quyết liệt triển khai thi công các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm; nâng cao tỷ lệ, hiệu quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu đến 31/12/2021 giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch đầu năm, đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình;

Triển khai thành công đợt thi đua cao điểm “100 ngày đêm” đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2021 hoàn thành 3 công trình trọng điểm: đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1;

Từng địa phương trong tỉnh phải tập trung rà soát các khoản hụt thu, tìm nguồn thu bù đắp, nhất là khoản thu từ tiền sử dụng đất, gắn với các dự án phát triển sản xuất kinh doanh; giải quyết dứt điểm các thủ tục tồn đọng để bù đắp các khoản giảm thu, thất thu ở ngành dịch vụ, du lịch, thu từ xuất nhập khẩu và các ngành kinh tế khác do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đảm bảo nguyên tắc có thu mới có chi.

vin
Quảng Ninh tạo mọi điều kiện cho DN phục hồi phát triển kinh tế. Ảnh: HK

Tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 - năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách mới 2022 - 2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Nghị quyết số 122 của Quốc hội; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;

Tiếp tục kiên trì thực hiện tốt quan điểm: Huy động, phân bổ và sử dụng tổng thể các nguồn lực, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; chỉ chi ngân sách nhà nước trong khả năng cân đối;

Nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò vốn “mồi” của đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, kéo dài, lãng phí, nhất là sau phân cấp đầu tư;

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung cho 3 đột phá chiến lược, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao, các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn đã được Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định, bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng miền, lĩnh vực vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo;

Theo đó, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chủ động, sâu sát nắm tình hình, tăng cường đối thoại, nắm bắt, kịp thời hỗ trợ giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về thủ tục hành chính, mặt bằng thi công, vật liệu san lấp, nhất là các dự án trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, tại các địa bàn trọng điểm chiến lược.

Xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi ngành du lịch “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; trước mắt, trong tháng 10/2021, mở lại một số hoạt động du lịch nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch; trên cơ sở đó, khẩn trương rút kinh nghiệm để tháng 11/2021 thí điểm đón khách du lịch nội địa ngoại tỉnh.

Tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, thường xuyên, liên tục Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo môi trường đổi mới, sáng tạo; năm 2021, giữ vững vị trí đứng đầu của 04 chỉ số PCI, Par Index, PAPI, SIPAS;

Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đẩy mạnh phòng, chống, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trấn áp các loại tội phạm trong những tháng cuối năm. Chủ động các phương án phòng chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phòng chống cháy, nổ; tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biên giới, thúc đẩy giao thương và phòng, chống dịch Covid -19;

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: Đây là điều kiện tiên quyết để Quảng Ninh đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng của tỉnh ước tăng 8,6% (cao hơn nhiều lần so với trung bình cả nước) trong điều kiện ngành than, dịch vụ, du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn; thu ngân sách nhà nước ước đạt 34.377 tỷ đồng, bằng 67% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 27.277 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ, tăng 2,5% so với kịch bản; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 63.839 tỷ đồng, tăng 7,8% cùng kỳ; thu hút FDI thế hệ mới có bước đột phá, đạt 1,067 tỷ USD, tăng 2,67 lần so với cùng kỳ.

Đời sống của các tầng lớp nhân dân được bảo đảm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được chăm lo; tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực lớn để triển khai đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông hệ công lập và ngoài công lập theo mức thu học phí công lập./.

Lan Hương

Lan Hương

© Thời báo Tài chính Việt Nam