Chính sách tài khóa bao phủ toàn diện ứng phó với đại dịch

16:42 | 05/10/2021 Print
(TBTCO) - Quyết tâm phòng chống dịch để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, các chính sách tài khóa thời gian qua đã bao phủ toàn diện để ứng phó với đại dịch.

hỗ trợ người dân

Gói hỗ trợ hơn 26 nghìn tỷ đồng đã rất nhanh chóng tới tay người lao động. Ảnh: TL.

Phòng chống dịch với nỗ lực cao nhất

Việc kiểm soát khá tốt dịch Covid-19 trong nửa cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 đã tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch tái bùng phát với biến thể Delta nguy hiểm, khó kiểm soát hơn và lan nhanh ở nhiều địa phương, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất..., buộc Chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Các giải pháp này đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế và đời sống nhân dân; đồng thời, xảy ra tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa có nơi, có lúc bị ách tắc; ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, ngoại trừ tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,42% (quý I tăng 4,48%, 6 tháng tăng 5,94%, quý III giảm 6,17%) - đạt thấp so với mục tiêu (khoảng 6%), nhìn chung kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo, lạm phát kiểm soát ở mức thấp (CPI bình quân tăng 1,82%, lạm phát cơ bản tăng 0,88%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 24,4%, thị trường tài chính tăng trưởng, thị trường tiền tệ ổn định.

Ước cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 3,5 - 4% (WB dự báo tăng 4,8%).

Công tác phòng, chống dịch được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, phù hợp tình hình thực tiễn, với phương châm: lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”; người dân là “chiến sỹ”; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận gần nhất, nhanh nhất; thực hiện công thức 5K. Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kết quả này có ý nghĩa to lớn khi Việt Nam phòng, chống dịch trong điều kiện hầu hết các vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vắc-xin trong nước không sản xuất được, phải nhập khẩu trong khi nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu.

Để có kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), Chính phủ cũng đã thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 để huy động nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Đến nay, quỹ đã huy động được 8,69 nghìn tỷ đồng (0,38 tỷ USD)

Tính đến đầu tháng 10/2021, Việt Nam đã có hợp đồng mua, thỏa thuận viện trợ và tài trợ trong năm 2021 gần 190 triệu liều vắc-xin; đã tiếp nhận 52,2 triệu liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin là 40,5% dân số và tiêm đủ 2 liều xấp xỉ 10%; các địa phương kinh tế trọng điểm (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng... có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin cho người 18 tuổi trở lên đạt 85 - 96%.

Giãn, giảm thuế phí là lệ phí lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng

Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) được đảm bảo, khi thu NSNN đạt 80,2% dự toán, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2020, trong đó thu nội địa đạt 77% dự toán, tăng 5,9%; thu dầu thô đạt 125,4% dự toán, tăng 5,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98,2% dự toán, tăng 30,3%.

Chi NSNN đạt 61,1% dự toán, trong đó giải ngân vốn đầu tư đạt 47,4%, chi trả nợ lãi đạt 72,1%, chi thường xuyên đạt 70% dự toán.

Để ứng phó với dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều chính sách về thu, chi NSNN đã được ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện.

Cụ thể, chính sách thu NSNN đã kịp thời điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân, trong đó: giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021; thực hiện một số giải pháp về miễn, giảm thuế trong năm 2021 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ và cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm ngành dịch vụ (du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, chiếu phim, thể thao, giải trí,...); cho tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất từ quý I/2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; tiếp tục miễn giảm 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021.

Tổng số tiền thực hiện chính sách dự kiến khoảng 139,3 nghìn tỷ đồng. Số thực hiện đến hết tháng 9/2021 là 93,1 nghìn tỷ đồng, cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh.

Về chi NSNN, tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, nhiều chế độ, chính sách chi NSNN đã được ban hành, trong đó: đối với công tác phòng, chống dịch, Chính phủ đã ban hành các quy định về chi phí cách ly, khám, chữa bệnh; chi hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch Covid-19; chi mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với hoạt động mua vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, Chính phủ đã ban hành quy định về nguồn kinh phí thực hiện, chỉ đạo các bộ chức năng tháo gỡ khó khăn về điều kiện, thủ tục để có thể tiếp cận các nguồn vắc-xin nhanh nhất, gần nhất có thể; yêu cầu hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19....

Tổng nguồn lực NSNN bố trí cho 2 nhiệm vụ trên khoảng 100 nghìn tỷ đồng, đến nay đã chi khoảng 49,25 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho khoảng 14,95 triệu người lao động, với nhu cầu thực hiện chính sách ước tính khoảng 26,2 nghìn tỷ đồng, trong đó: chi từ NSNN khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng; nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng; 3 quỹ bảo hiểm 16,6 nghìn tỷ đồng.

Đến hết tháng 9/2021, NSNN đã chi hỗ trợ cho người dân theo các chính sách đã ban hành trên 10,6 nghìn tỷ đồng, các quỹ bảo hiểm cũng đã chi trả cho các đối tượng khoảng 5 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp 152 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục thiên tai, cứu trợ cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19./.

Kim Cúc

Kim Cúc

© Thời báo Tài chính Việt Nam