Xuất khẩu dệt may liệu có cán đích 39 tỷ USD năm 2021?

17:53 | 05/10/2021 Print
Trải qua 2/3 thời gian của năm 2021, xuất khẩu dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD năm nay rất thực hiện, ngay cả khi hoạt động này đang từng bước được cải thiện từ tháng 10.

Lo ngại khi con số tăng trưởng đang giảm dần đều

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng so với cùng kỳ như hàng may mặc đạt 21,7 tỷ USD, tăng 5%; vải đạt 1,8 tỷ USD, tăng 37,4%; xơ sợi đạt 4 tỷ USD, tăng 56,2%; vải không dệt đạt 557 triệu USD, tăng 77,3%; phụ liệu dệt may đạt 921 triệu USD, tăng 21,8%...

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu 9 tháng qua ước đạt 18 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, 9 tháng ngành dệt may xuất siêu 11 tỷ USD.

sx

Xuất khẩu dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: TL

"Như vậy có thể thấy, bất chấp bão dịch hoành hành, gây ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt, ngành dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái" - đại diện Vitas đánh giá.

Theo Vitas, thời gian giãn cách xã hội kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may khi khoảng 50% nhà máy đặt tại khu vực miền Nam. Hiện tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30 - 35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ” cho người lao động.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là dưới tác động của các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian khá dài vừa qua đã khiến tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may giảm dần trong từng quý. Theo đó, từ tháng 8 đến nay, doanh nghiệp dệt may rơi vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm, thậm chí phải đóng cửa, ngừng sản xuất, bị đối tác hủy đơn hàng. Minh chứng, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm 15,9% so với tháng trước đó, đến tháng 9 đạt 3 tỷ USD tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8...

Xuất khẩu có thể sẽ giảm tới hơn 5 tỷ USD so với mục tiêu đề ra

Các chuyên gia nhận định, quý IV sẽ là khoảng thời gian "cực kỳ khó khăn" đối với các doanh nghiệp ngành dệt may khi vẫn phải đối diện với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Nguyên nhân là do đối tác đã và đang có xu hướng dịch chuyển đơn hàng đi nơi khác do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được tiến độ đơn hàng đã ký hợp đồng.

Bên cạnh đó, hiện ngành dệt may nước ta đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức như giá nguyên liệu đầu vào như bông, xơ, sợi, vải… tiếp tục xu thế tăng; chi phí logistics tăng giá, nhất là thiếu hụt lao động. Thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35 - 37%. Nhiều doanh nghiệp, phần lớn công nhân ồ ạt di chuyển về địa phương và dự báo không dễ quay trở lại ngay trong 3 tháng cuối năm.

Chính vì vậy, Vitas khẳng định, mục tiêu năm 2021 đạt con số xuất khẩu 39 tỷ USD là rất khó khăn, ngay cả khi hoạt động sản xuất đang từng bước được khôi phục từ tháng 10/2021.

Mới đây, Vitas đưa ra các kịch bản cụ thể. Theo đó, trong diễn biến tích cực nhất, Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện "bình thường mới" từ đầu tháng 10/2021, xuất khẩu năm nay dự kiến đạt khoảng 37,5 - 38 tỷ USD.

Ngược lại, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa thì xuất khẩu cả năm dự kiến chỉ đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD. Ngoài ra, ở kịch bản kém tích cực nhất, xuất khẩu dệt may sẽ chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD nếu không kiểm soát được dịch bệnh, tiếp tục phong tỏa, giãn cách đến đầu tháng 12/2021.

Trước tình hình đó, theo các chuyên gia, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các giải pháp "cứu" chuỗi cung ứng cho ngành dệt may thông qua hỗ trợ về vốn để tránh cho doanh nghiệp không rơi vào tình trạng đứt thanh khoản; hỗ trợ về lưu thông, phân phối hàng hóa, chống ách tắc trong khâu vận tải; tạo các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì sản xuất, hoàn thành các đơn hàng đúng tiến độ...

Được biết, Vitas vừa kiến nghị cho phép doanh nghiệp bố trí làm thêm giờ theo tháng cao hơn quy định 40 giờ/tháng của pháp luật và không vượt quá 300 giờ/năm để doanh nghiệp có thể bố trí sản xuất giải quyết các đơn hàng tồn đọng sau dịch, hoặc nhận thêm đơn hàng hỗ trợ các doanh nghiệp ngừng sản xuất. Kiến nghị này đã được Chính phủ chấp thuận./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam