Hải quan chủ động chống nhập lậu và sử dụng tiền chất ma túy

10:36 | 06/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, qua đó đã phát hiện nhiều vụ việc nhập lậu và sử dụng tiền chất để sản xuất ma túy. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan hải quan, cần có sự chung tay của các bộ, ngành trong quản lý chặt chẽ từ khâu cấp phép nhập khẩu đến hậu kiểm đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Quản chặt từ khâu cấp giấy phép đến hậu kiểm

Cùng với việc đấu tranh với tội phạm buôn lậu ma túy, ngành Hải quan cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) các loại tiền chất có thể dùng để sản xuất, chế biến ma túy.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL), Tổng cục Hải quan cho biết, khó khăn cho các cơ quan quản lý chức năng nói chung và ngành Hải quan nói riêng là vừa phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng hợp pháp tiền chất phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa phải kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, không để tội phạm lợi dụng sử dụng vào mục đích sản xuất ma túy.

Hải quan thực hiện soi chiếu hành lý để phát hiện các hành vi vi phạm. Ảnh: Thanh Tùng
Hải quan thực hiện soi chiếu hành lý để phát hiện các hành vi vi phạm. Ảnh: Thanh Tùng

Trong khi đó, hiện nay trên thế giới có hơn 800 chất ma túy và liên tục xuất hiện các tiền chất mới được sử dụng sản xuất ma túy tổng hợp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng, trong đó có hải quan khi phát hiện, điều tra.

Trên thực tế, cơ quan hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý rất nhiều trường hợp doanh nghiệp (DN) nhập khẩu tiền chất không có giấy phép. Khó khăn của hải quan là hiện nay việc cấp phép của các bộ quản lý chuyên ngành khá dễ dàng, không căn cứ theo năng lực thực tế sản xuất của DN. Nhiều trường hợp DN nhập khẩu tiền chất, khi cơ quan hải quan phát hiện, bắt giữ, DN mới xin cấp phép bổ sung. Nhiều trường hợp cơ quan hải quan điều tra phát hiện giấy phép nhập khẩu của DN không có địa chỉ trụ sở rõ ràng cũng được cấp phép nhập khẩu tiền chất. Sau khi cấp phép cơ quan cấp phép cũng không tiến hành hậu kiểm để xem thực lực của DN, DN có sử dụng tiền chất để sản xuất hàng hóa và việc tiêu thụ hàng hóa có đúng mục đích, đối tượng hay không, dễ bị các đối tượng lợi dụng sử dụng tiền chất để chế biến ma túy.

Thời gian qua cơ quan hải quan đã phát hiện và cảnh báo tình trạng xuất, nhập khẩu thuốc thú y chứa ma túy, tiền chất không có giấy phép của cơ quan chuyên ngành. Đáng kể là trong năm 2020, Cục ĐTCBL đã phát hiện 2 vụ buôn lậu tiền chất, trong đó 1 vụ đã ra 7 quyết định xử phạt thu nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng.

Để công tác đấu tranh với nhập lậu và sử dụng tiền chất không đúng mục đích, thậm chí dùng để sản xuất ma túy, cơ quan hải quan cũng đã có văn bản đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành cần nâng cao trách nhiệm trong việc cấp phép đến khâu hậu kiểm.

Nâng cao vai trò quyền hạn kiểm soát tiền chất của hải quan

Lãnh đạo Cục ĐTCBL cho biết thêm, hiện nay cơ quan hải quan đã góp ý dự thảo Nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Cần sự phối hợp của nhiều ngành

Để nâng cao hiệu quả quản lý, Tổng cục Hải quan cũng đã có đề xuất các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý chặt từ khâu cấp phép tiền chất đến hậu kiểm việc sử dụng tiền chất, không để thất thoát vào các mục đích bất hợp pháp.

Các bộ quản lý chuyên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở khâu sản xuất, tiêu thụ đúng mục đích, đối tượng; cấp phép đúng năng lực sản xuất của doanh nghiệp, định mức tiêu hao nguyên liệu. Doanh nghiệp sử dụng tiền chất phải quản lý chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào, định mức tiêu hao khi sản xuất, nguyên liệu thừa, tiêu hủy hoặc chuyển sang hợp đồng khác...

Dự thảo đã nêu bật được vai trò trách nhiệm của cơ quan hải quan và các bộ, ngành liên quan giúp cho việc kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật đối với chất ma túy, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được chặt chẽ, hiệu quả hơn hiện nay.

Cụ thể, dự thảo quy định rõ quy trình giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được gửi cho cơ quan, tổ chức xin phép nhập khẩu, xuất khẩu, chi cục hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu và gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an để theo dõi, quản lý.

Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được cấp cho từng lần nhập khẩu, xuất khẩu (trừ các tiền chất công nghiệp nhóm 2 theo phân loại của Bộ Công thương) và có giá trị trong thời hạn ghi trong giấy phép. Giấy phép nhập khẩu gửi chi cục hải quan làm thủ tục chậm nhất là 15 ngày làm việc. Việc cấp giấy phép nếu chưa được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ khi cấp giấy phép, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm gửi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tới cơ quan, tổ chức xin phép nhập khẩu, xuất khẩu, chi cục hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu và gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an để theo dõi, quản lý.

Với quy định tại dự thảo nêu trên, lực lượng hải quan nơi có hàng nhập khẩu, xuất khẩu có trách nhiệm làm đầy đủ thủ tục hải quan, thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hàng nhập khẩu, xuất khẩu không đúng với nội dung giấy phép, lực lượng hải quan cửa khẩu có thể tạm dừng các thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu, lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền; đồng thời trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sai phạm thông báo ngay cho các cơ quan cấp phép và Bộ Công an để phối hợp quản lý, kiểm soát và xử lý.

Tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Thông báo 455/TB-BTC (ngày 26/4/2019), Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc các đơn vị chức năng kiểm soát hải quan, chống buôn lậu cần thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 4575/KH-TCHQ về tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất.

Theo đó, kiểm soát phát hiện ma túy phải được tăng cường triển khai và là trách nhiệm của tất cả các công chức ở các khâu trong quy trình nghiệp vụ hải quan (từ tiếp nhận hồ sơ phân tích rủi ro, phân luồng, giám sát, kiểm tra, kiểm định..) để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát ma túy.

Các đơn vị hải quan khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp (DN), tiến hành điều tra nghiên cứu nắm tình hình, lập hồ sơ cụ thể đối với từng DN xuất nhập khẩu (XNK), kinh doanh, sử dụng tiền chất. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong khu công nghiệp, khu chế xuất để nắm tình hình về doanh nghiệp XNK, kinh doanh, sử dụng tiền chất để sản xuất từ việc xây dựng lắp đặt nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, máy móc sử dụng tiền chất trong sản xuất, kho bãi tập kết chứa tiền chất, số lượng công nhân phục vụ, quá trình sản xuất làm ra sản phẩm…

Các đơn vị chủ động có giải pháp kịp thời ngăn chặn và bịt kín các sơ hở không để cho tội phạm ma túy lợi dụng các chính sách ưu đãi về thương mại, đầu tư, du lịch, quản lý tiền chất trong công nghiệp, y tế và các quy trình, quy định nghiệp vụ hải quan để vận chuyển ma túy qua các khu vực kiểm soát hải quan hoặc đưa các phương tiện, dụng cụ, tiền chất để sản xuất ma túy trong địa bàn kiểm soát hải quan, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Công chức thực hiện nhiệm vụ soi chiếu container, hàng hóa, hành lý phải có ý thức cảnh giác và nâng cao năng lực phân tích hình ảnh, dấu hiệu lạ trong khi soi chiếu để phát hiện ma túy, tiền chất được cất giấu, trà trộn trong hàng hóa, hành lý (hình ảnh qua soi chiếu phải được lưu giữ theo quy định và chiết xuất ảnh để lưu hồ sơ).

Hải Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam