Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp có khả thi?

16:10 | 06/10/2021 Print
(TBTCO) - Một chỉ tiêu quan trọng trong dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng là phấn đấu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Đây là một chỉ tiêu khá nhiều thách thức khi mà Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, nhưng thực tế mới đạt khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp.

Tốc độ và số doanh nghiệp đang hoạt động tăng khá cao

Từ các số liệu thống kê giai đoạn 2015 – 2020 của Tổng cục Thống kê và dự thảo kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể nhận diện một số điểm đáng lưu ý theo các góc độ khác nhau.

Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp có khả thi?

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: HỒNG VÂN

Rõ nhất là có tốc độ tăng và số lượng doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tăng khá cao. Năm 2020 so với năm 2015, số DN đang hoạt động đã tăng 83,4%, bình quân 1 năm tăng xấp xỉ 12,9% (trong đó có những năm tăng cao hơn: 2016 tăng 25,4%, 2017 tăng trên 17,9%), là tốc độ tăng khá cao so với các thời kỳ trước đó.

Theo mục tiêu, năm 2025 so với năm 2020, số DN đang hoạt động tăng 84,8%, bình quân 1 năm tăng trên 13,1% - cao hơn thời kỳ trước. Mục tiêu tăng cao hơn trong điều kiện tốc độ tăng đã chậm lại trong những năm trước đó (2018 tăng 9,2%, 2019 tăng 6,1%, 2020 tăng 7%), dịch Covid-19 bùng phát ở các trung tâm có nhiều DN và khi số gốc so sánh cao lên thì tốc độ tăng khó duy trì được cao như trước, thể hiện quyết tâm rất cao, sự tôn vinh vai trò của DN…

Tiềm năng cho việc gia tăng số DN đang hoạt động rất lớn. Tính đến 31/12/2019, số hợp tác xã đang hoạt động có khá nhiều (14,4 nghìn), trong đó có 12 tỉnh/thành phố có trên 300). Ở nông thôn có gần 24 nghìn trang trại, trong đó có 23 tỉnh/thành phố có trên 400. Số cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp có trên 5,2 triệu, trong đó có 13 tỉnh/thành phố có trên 100 nghìn.

Tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt Nam khá cao, từ nhiều năm nay liên tục có trên 100 nghìn DN đăng ký thành lập mới; ý chí quyết tâm trở lại hoạt động của nhiều DN ra khỏi thị trường vì các lý do khác nhau hàng năm cũng khá nhiều. Chính cơ chế thị trường đã tạo điều kiện cho DN tư nhân ra đời và phát triển. Số DN tư nhân hiện có trên 40 nghìn, số công ty TNHH đạt gần 476 nghìn, số công ty cổ phần không có vốn nhà nước có gần 130 nghìn,… So với toàn bộ khối DN, DN ngoài nhà nước chiếm gần 97% số DN, 59% số lao động, 59,1% tổng vốn sản xuất kinh doanh, 55,7% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, 57,5% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh, 53,4% tổng thu nhập của người lao động, 31,2% lợi nhuận trước thuế,…

Nhận diện bài học kinh nghiệm để hoàn thành mục tiêu

Bài học không đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 sẽ cung cấp nhiều kinh nghiệm cho việc thực hiện mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025.

Luỹ kế đến năm 2025.
có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp.
đăng ký thành lập

Trong một diễn biến khác, tại dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2021 - 2025 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ đã đặt mục tiêu, lũy kế đến năm 2025, Việt Nam có hơn 2,1 triệu DN đăng ký thành lập, trong đó khoảng 710 nghìn DN đăng ký thành lập mới giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số này được tính toán dựa trên tốc độ tăng trưởng số DN đăng ký thành lập mới trung bình giai đoạn 2016 - 2020 và tác động bởi dịch Covid-19 tới khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của DN. Để đạt được mục tiêu này, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có nhóm về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số...

Nghị quyết 35/2016/NQ-CP đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN đang hoạt động. Đến năm 2020 mới đạt khoảng 81,1% mục tiêu. Số DN đang hoạt động đến cuối năm 2015 đạt 442,5 nghìn. Số DN đăng ký thành lập mới tính từ năm 2016 đến năm 2020 đạt 640,3 nghìn (2016 là 110,1 nghìn DN; 2017 là 126,9 nghìn; 2018 là 131,3 nghìn; 2019 là 138,1 nghìn; 2020 là 134,9 nghìn) - đó là một cố gắng trong việc cải thiện các thủ tục đăng ký, tạo cho các nhà đầu tư dễ dàng, nhanh chóng. Nếu cộng đơn giản, thì đến cuối năm 2020 đạt 1.082,8 nghìn – tức là vượt qua mốc 1 triệu DN, nhưng thực tế chỉ có 811,54 nghìn DN, chênh lệch lên tới 271,3 nghìn DN.

Tuy nhiên, số DN đăng ký thành lập mới không hoàn toàn đã đưa vào hoạt động. Trong khi đó, số DN đang hoạt động nhưng phải dừng hoạt động, dừng kinh doanh, giải thể - tức là ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường cũng không ít và liên tục tăng trong vài năm qua. Chênh lệch giữa tổng số DN đang hoạt động trong năm trước với số DN đăng ký thành lập mới trong năm sau của năm 2017 là 27,29 nghìn DN, của năm 2018 là 91,15 nghìn DN, của năm 2019 là 93,29 nghìn DN, của năm 2020 là 82,01 nghìn DN - tức là chênh lệch khá lớn.

Như vậy, số DN đăng ký thành lập mới tăng lên và có số lượng khá lớn, nhưng vẫn còn thấp hơn tiềm năng; số DN rời hoặc tạm rời thị trường khá nhiều và có xu hướng tăng là bài học kinh nghiệm lớn. Đáng lưu ý, ngoài nguyên nhân do tác động của đại dịch từ gần 2 năm nay, còn có nguyên nhân quan trọng thuộc về chủ quan, trong đó có một số điểm đáng quan tâm.

Thứ nhất, cơ chế thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn đối với DN, đó là cạnh tranh (lành mạnh), lợi nhuận và nộp thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận của DN cả nước chỉ đạt 3,38% - còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm, càng thấp hơn lãi suất đi vay ngân hàng; trong đó của một số loại hình còn thấp hơn, như DN ngoài nhà nước (đặc biệt DN tư nhân chỉ đạt 0,28%, công ty TNHH chỉ đạt 0,71%,…). Do vậy, mặc dù kinh tế tư nhân được coi là động lực tăng trưởng, có số lượng nhiều, nhưng quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, tỷ trọng trong GDP của kinh tế tư nhân vẫn không vượt qua được 9,7%.

Thứ hai, mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ DN còn hạn chế. Chi phí kinh doanh, rủi ro trong kinh doanh do quy định không đầy đủ, chồng chéo, do thực thi chính sách chưa minh bạch, rõ ràng,…

Thứ ba, mục tiêu không chỉ là số lượng DN, mà quan trọng hơn là chất lượng của lực lượng DN.

Nhìn tổng quát, số lượng và chất lượng DN đang hoạt động là đầu ra của môi trường đầu tư - kinh doanh, của những điều kiện đầu tư kinh doanh, của cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN, của các cơ chế phân bổ nguồn lực, tiếp cận nguồn lực,…

Phương Dung

© Thời báo Tài chính Việt Nam