TP. Hồ Chí Minh: Bất chấp dịch bệnh nhu cầu mua biệt thự, nhà phố vẫn tăng

16:08 | 06/10/2021 Print
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, trong quý III/2021, nhu cầu mua biệt thự, nhà phố tại TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng cao, tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới đạt 68%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường vẫn tốt.

Cung – cầu diễn biến trái chiều

Nguồn cung mới tiếp tục khan hiếm do các chủ đầu tư mở bán thận trọng trước bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ 4. Trong quý III/2021, nguồn cung mới với hơn 240 căn đến từ 3 dự án mới và 2 dự án mở bán thêm tại Bình Tân, TP. Thủ Đức và Gò Vấp. Nguồn cung sơ cấp giảm 10% theo quý và giảm 73% theo năm, với 510 căn.

TP. Hồ Chí Minh: Bất chấp dịch bệnh nhu cầu mua biệt thự, nhà phố vẫn tăng
Bất chấp dịch bệnh nhu cầu mua biệt thự, nhà phố tại TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng nguồn cung sơ cấp được ghi nhận hơn 1.000 căn, thấp nhất trong 5 năm qua và giảm 65% theo năm. Dẫn đến lượng giao dịch khoảng 790 căn, giảm 67% theo năm. Savills cho rằng, nguồn cung mới sẽ tiếp tục hạn chế trong ngắn hạn khi chỉ một vài dự án có kế hoạch mở bán trong quý IV, gồm một dự án mới và hai dự án mở bán thêm tại TP. Thủ Đức và huyện Nhà Bè. Nguồn cung mới quý IV chỉ chiếm khoảng 4% tổng nguồn cung tương lai đến năm 2024. Một số dự án đã dời kế hoạch mở bán sang 2022.

Nguồn cung tương lai đến 2024 dự kiến đạt gần 9.600 căn/nền. TP. Thủ Đức chiếm tỷ trọng lớn nhất với 32%, tiếp theo là Bình Chánh với 24% và Bình Tân với 11%. TP. Thủ Đức tiếp tục thu hút các dự án bất động sản nhà ở nhờ quỹ đất sẵn có, quy hoạch đô thị tốt và cơ sở hạ tầng được đầu tư.

Trước tác động của các biện pháp đóng cửa và giãn cách xã hội, người mua nhà ngày càng quan tâm đến các dự án phức hợp đa dạng tiện ích nội khu. Các quận ngoài trung tâm sẽ tiếp tục thu hút khách mua.

Savills cho biết thêm, trong 10 năm qua, khu Đông chiếm đến 70% trong tổng vốn 350.000 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của TP. Hồ Chí Minh, các công trình trọng điểm có thể kể đến như cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã đi vào hoạt động, tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên và cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng. TP. Thủ Đức đã có nhiều dự án phức hợp được phát triển như Vinhomes Grand Park, Vạn Phúc City và Phố Đông Village.

Lực cầu tiếp tục được thúc đẩy bởi hạ tầng

Trong 10 năm tới, UBND TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là 970.654 tỷ đồng, cao hơn 177% so với giai đoạn trước. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư dự kiến là 553.500 tỷ đồng với các công trình trọng điểm được ưu tiên đầu tư như cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Mộc Bài qua tỉnh Tây Ninh; đường vành đai 2, 3; nâng cấp các quốc Lộ 1, 22, 50, 13; xây dựng cầu Cát Lái kết nối tỉnh Đồng Nai.

Hạ tầng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố với khu vực ngoại ô cũng sẽ tiếp tục được đầu tư, sau khi hoàn thành tuyến metro số 1, thành phố sẽ tiếp tục phát triển các tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương); Metro số 5 – giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn); đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Đánh giá chung về thị trường, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. Dịch bệnh gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, trong đó ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ.

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.

Theo đó, hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận…, trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các sàn giao dịch nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam