Việt Nam có sức hấp dẫn nổi trội đối với dòng tiền khối ngoại

20:38 | 06/10/2021 Print
(TBTCO) - Các thị trường mới nổi hoặc cận biên có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tiếp cận theo hướng phân tích tình hình vĩ mô. Và về mặt này, sức hấp dẫn của Việt Nam là nổi trội, bắt nguồn từ vị thế, triển vọng kinh tế vĩ mô vững chắc và môi trường chính trị ổn định. Bối cảnh vĩ mô thuận lợi này giúp các công ty đặt kế hoạch lợi nhuận cao hơn và mức tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp nhanh hơn, góp phần vào đà tăng chung của thị trường chứng khoán.

Đây là đánh giá về về xu hướng dòng tiền khối ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam của ông Andy Ho – Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital (CIO of VinaCapital Group), khi trao đổi với phóng viên TBTCO.

Việt Nam có sức hấp dẫn nổi trội đối với dòng tiền khối ngoại
Ông Andy Ho – Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital.

PV: Trên góc nhìn của VinaCapital, ông có đánh giá, nhận xét gì về diễn biến dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam từ đầu năm tới nay?

Ông Andy Ho: Tính đến tháng 8/2021, khối ngoại đã bán ròng khoảng 1,6 tỷ USD trên TTCK Việt Nam, tương đương 0,7% vốn hóa thị trường và cao hơn khối lượng nhà đầu tư ngoại bán ròng cả năm 2020 là 876 triệu USD, tương đương 0,5% vốn hóa thị trường.

Việc này diễn ra thường xuyên ở hầu hết các thị trường mới nổi và cận biên. Một trong những lý do có thể thấy là đà tăng trưởng lợi nhuận ngày càng mạnh mẽ hơn tại Hoa Kỳ, trong khi nền kinh tế nước này đã mở cửa trở lại sau khi phần lớn dân số đã được tiêm chủng; sự lạc quan sớm về triển vọng “trở lại trạng thái bình thường” và trong khi đó, mối đe dọa về lạm phát tăng dẫn đến những lo ngại đối với các tài sản có mức độ rủi ro cao hơn ở nước ngoài (như chứng khoán, bao gồm cả thị trường phát triển, mới nổi và cận biên).

Bên cạnh đó, cũng có thể đơn giản là các nhà đầu tư nước ngoài đang chốt lời khi TTCK Việt Nam, với vị thế là TTCK hoạt động tốt nhất tại châu Á, đã tăng trưởng vượt trội so với các nước khác trong khu vực và vẫn tiếp tục đà tăng này.

Chúng tôi tin rằng, các thị trường mới nổi và cận biên sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của dòng tiền khối ngoại khi tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 toàn dân tăng lên, giúp sớm nối lại các hoạt động kinh tế, phục hồi đà tăng trưởng, qua đó khiến tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh hơn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng bức tranh lạm phát sẽ được nhìn thấy rõ hơn vào mùa Thu (tháng 10/tháng 11), với kỳ vọng lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp, mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn từ các nhà đầu tư sẽ có lợi cho cổ phiếu quốc tế (bao gồm các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam). Chúng tôi cũng kỳ vọng đồng USD yếu hơn cũng sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại Việt Nam và các thị trường mới nổi, cận biên khác.

Việt Nam có sức hấp dẫn nổi trội đối với dòng tiền khối ngoại
Việt Nam là điểm đến được nhiều nhà đầu tư ngoại ưa thích.

PV: Có ý kiến cho rằng, mặc dù khối ngoại bán ròng mạnh, nhưng dòng tiền ngoại vẫn luôn sẵn sàng gia nhập thị trường Việt Nam khi cơ hội đến. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này? Ông có thể chia sẻ về góc nhìn và một vài đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về cơ hội trên TTCK Việt Nam?

Ông Andy Ho: Các nhà đầu tư tài chính nước ngoài tại Việt Nam hiện nay có thể chia thành 2 nhóm. Một nhóm chuyên đầu tư tại Việt Nam, như Tập đoàn VinaCapital và nhóm này luôn chủ động tìm kiếm các cơ hội thích hợp để đầu tư vào các công ty đại chúng và công ty tư nhân. Nhóm thứ hai bao gồm các nhà đầu tư tập trung vào nhiều quốc gia tiềm năng tương tự như Việt Nam, nhưng rõ ràng là Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Các nhà đầu tư này sẽ tìm kiếm những cơ hội tốt nhất ở tất cả các quốc gia trước khi quyết định đầu tư. Vì vậy, khi có những cơ hội tốt, thì nhóm một sẽ tham gia đầu tư, nhưng nhóm hai sẽ chỉ đầu tư khi đây là cơ hội tốt nhất trong tất cả các cơ hội ở những quốc gia đang trong tầm ngắm của họ.

Tuy nhiên, cả hai nhóm nhà đầu tư trên đều có chung nhận định rằng, Việt Nam là điểm đến đầu tư được ưa thích, vì một số lý do then chốt bao gồm: dân số trẻ, đang phát triển và trong độ tuổi lao động có hiệu quả cao; GDP tăng trưởng mạnh; đồng nội tệ ổn định so với USD và thậm chí có thể tăng giá so với USD. TTCK Việt Nam có quy mô lớn và thanh khoản tốt, bao gồm cả ba sàn giao dịch (HOSE, HNX và UPCoM) cũng là một yếu tố hấp dẫn dòng tiền khối ngoại. Việt Nam gần đây cũng được đánh giá là đối tác rất tiềm năng với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc và hai quốc gia này đều có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Việt Nam có sức hấp dẫn nổi trội đối với dòng tiền khối ngoại

PV: Theo ông, đâu là cơ hội để TTCK Việt Nam gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài? Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư lớn trên thị trường, Việt Nam cần tháo gỡ những nút thắt nào để dòng vốn gián tiếp nước ngoài vào TTCK mạnh mẽ hơn nữa?

Ông Andy Ho: Các thị trường mới nổi hoặc cận biên có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tiếp cận theo hướng phân tích tình hình vĩ mô. Và về mặt này, sức hấp dẫn của Việt Nam là nổi trội, bắt nguồn từ vị thế và triển vọng kinh tế vĩ mô vững chắc (tình hình nhân khẩu học thuận lợi, khả năng tăng trưởng liên tục, tăng trưởng FDI và xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng nội địa) và môi trường chính trị ổn định. Bối cảnh vĩ mô thuận lợi này giúp các công ty đặt kế hoạch lợi nhuận cao hơn và mức tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp nhanh hơn, góp phần vào đà tăng chung của thị trường.

Đồng thời, TTCK Việt Nam có triển vọng sớm được nâng hạng, qua đó giúp thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong dài hạn.

Đại dịch toàn cầu gây nên những đứt gãy về kinh tế nhưng không khiến Việt Nam đi chệch định hướng phát triển kinh tế, mặc dù mức độ lây nhiễm do các biến thể của Covid-19 đang là thách thức chung của nhiều quốc gia châu Á khác. Chúng tôi tin rằng, đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay. Do đó, việc mua được nhiều nhất, nhanh nhất các loại vắc-xin và gia tăng độ phủ vắc-xin cho người dân để giúp phục hồi kinh tế và trở lại đà tăng trưởng triển vọng sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường như giới hạn sở hữu nước ngoài đã làm thu hẹp số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư quốc tế có thể đầu tư; đồng thời cũng giới hạn thiện chí của họ khi phải trả cho các khoản premium đắt đỏ (nhà đầu tư nước ngoài phải trả một khoản chi phí cao hơn khi muốn mua chứng khoán – PV).

Bên cạnh đó, chúng tôi cảm nhận về sự yếu kém trong quản trị và điều hành (của một số công ty trên thị trường) cũng là yếu tố quan trọng gây nên tâm lý e ngại của nhà đầu tư ngoại. Cuối cùng, tốc độ cổ phần hóa chậm cũng sẽ làm giảm vị thế của thị trường đối với dòng tiền khối ngoại trong ngắn hạn và trung hạn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam