Chính sách hỗ trợ không chỉ nhìn vào ngân sách nhà nước

10:05 | 08/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Trả lời phỏng vấn TBTCVN, GS. TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khẩn cấp là rất quan trọng, giúp giảm bớt gánh nặng và giúp người dân thoát khỏi cơn khủng hoảng, nhất là nhóm những người nghèo trong xã hội. Trong đó, các biện pháp hỗ trợ tài chính của Nhà nước được chào đón như một hình thức viện trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, mở rộng ngân sách nhà nước đến một lúc nào đó rồi người nộp thuế sẽ phải hoàn trả lại. Bởi vậy, không nên sử dụng quá mức ngân sách nhà nước cho việc hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ không chỉ  nhìn vào ngân sách nhà nước

PV: Quan sát bức tranh kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay, ông có bình luận gì tăng trưởng và ổn định vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam?

GS. TS Andreas Stoffers: Là một chuyên gia kinh tế, tôi rất hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn thích nghi với tình hình dịch bệnh sau các đợt cách ly xã hội chặt chẽ nhằm đối phó với Covid-19 vào mùa hè này.

Chính sách hỗ trợ không chỉ  nhìn vào ngân sách nhà nước
GS. TS Andreas Stoffers

Nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trong những thập kỷ gần đây. Nhiều khía cạnh có tính chất quyết định đối với sự tăng trưởng này. Một là sự hội nhập của đất nước vào thương mại thế giới và hệ thống các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Hai là Luật Đầu tư mới đã có tác dụng khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và thu hút nguồn vốn cũng như tri thức của nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển cần phải giữ được tính ổn định. Đại dịch Covid-19 đã thách thức tính ổn định trong bối cảnh này.

Mặc dù vậy tôi vẫn tin tưởng rằng, với vị trí thuận lợi, Việt Nam vẫn sẽ sở hữu nhiều lợi thế dù cho hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid -19 có thế nào. Bởi vậy, tôi vẫn lạc quan về một sự phục hồi của Việt Nam.

PV: Có ý kiến cho rằng, không thể chọn bảo toàn ngân sách thay vì bảo vệ động lực tăng trưởng. Cũng có quan điểm khác cho rằng, ngân sách bền vững thì sẽ tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng; trong bối cảnh khó khăn như hiện nay của Việt Nam, càng cần phải đảm bảo các nhiệm vụ thu để đáp ứng các khoản chi ngân sách, nhất là chi phòng chống dịch, chi hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

GS. TS Andreas Stoffers: Các biện pháp kích thích của Chính phủ, ví dụ như gói hỗ trợ liên quan đến Nghị quyết 105/NQ-CP, nhằm mục đích đưa các DN, hợp tác xã và hộ gia đình trở lại trạng thái bình thường cho thấy, Chính phủ đã nhận thức rằng kịch bản “zero covid” là không thực tế. Về cơ bản, Nghị quyết 105 đề cập đến tất cả các vấn đề mà khu vực tư nhân nêu ra như lao động, vốn, sức khỏe DN và cá nhân.

Theo nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (BTRI) và FNF Việt Nam, các DN, hộ kinh doanh cần được hỗ trợ về tài chính để có thể duy trì, chẳng hạn như tiếp cận nguồn vốn và giảm thuế. Đối với các hợp tác xã, ưu tiên giải quyết vẫn là vấn đề chuỗi sản xuất bị gián đoạn do tắc nghẽn, đặc biệt là các tuyến đường bị phong tỏa. Tuy nhiên, lao động lại là một vấn đề nan giải hơn nhiều đối với các DN quy mô lớn, đặc biệt là đối với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo tôi, do các mô hình kinh doanh có đặc thù và các khó khăn khác nhau nên việc đưa các biện pháp hỗ trợ khác nhau là rất cần thiết. Do đó, Chính phủ nên đưa ra các biện pháp chi tiết cho các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế dựa trên cơ sở các bằng chứng. Tuy nhiên, phao cứu sinh đầu tiên vẫn là mở cửa lại nền kinh tế càng sớm càng tốt.

Ở đây, tôi chỉ chọn ra Nghị quyết 105 như một trong nhiều gói hỗ trợ DN để làm ví dụ. Nhìn chung, các biện pháp hỗ trợ tài chính của Nhà nước được chào đón như một hình thức viện trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, mở rộng ngân sách nhà nước (NSNN) đến một lúc nào đó rồi người nộp thuế sẽ phải hoàn trả lại. Bởi vậy, không nên sử dụng quá mức NSNN.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thuận lợi của Việt Nam trong thời gian qua tuy đã chậm lại trong 2 năm gần đây nhưng vẫn còn đang duy trì, Việt Nam có lợi thế là có nhiều dư địa tài khóa hơn cho Chính phủ mỗi năm mà không cần phải tăng tỷ lệ nợ công. Nguồn ngân sách này nên được sử dụng để mở rộng cơ sở hạ tầng y tế và chuẩn bị tốt hơn cho các trường hợp khẩn cấp trong tương lai. Tôi sẽ không bao giờ khuyến khích các chính phủ áp dụng chính sách mở rộng tiền tệ theo lý thuyết của Keynes. Cuối cùng, trong 2 năm qua, chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam được đặc trưng bởi sự thận trọng và tôi cho rằng điều này nên tiếp tục.

PV: Kể từ thời điểm bùng phát của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách mới để hỗ trợ DN và người dân. Với những gì mà Chính phủ đã nỗ lực trong điều kiện thu NSNN đang rất khó khăn và sức chống chọi của nền kinh tế Việt Nam, theo ông, có cần những gói hỗ trợ “mạnh tay” hơn nữa không?

GS. TS Andreas Stoffers: Như tôi đã trình bày, sự hỗ trợ của Chính phủ trong các tình huống khẩn cấp là rất quan trọng, giúp giảm bớt gánh nặng và giúp người dân thoát khỏi cơn khủng hoảng, nhất là nhóm những người nghèo trong xã hội. Việc NSNN sử dụng cho việc này là điều không cần bàn cãi. Mặt khác, các DN có thể được trợ giúp bằng cách cắt giảm và hoãn thuế.

Tuy nhiên, ngoài viện trợ khẩn cấp, tôi không cho rằng việc mở rộng hơn nữa chính sách tài khóa và tiền tệ là cần thiết. Khả năng phục hồi của người dân Việt Nam là rất đáng nể phục, họ đã thể hiện điều này trong quá khứ trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn nhiều so với Covid-19. Tôi vẫn nghĩ đến đến kỳ tích vẻ vang của các bạn trong lịch sử như chiến thắng của Ngô Quyền (938) và Trần Hưng Đạo (1284) ở sông Bạch Đằng hay cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Điều này cũng đúng với nền kinh tế. Tôi vẫn đang chứng kiến nó tận mắt những ngày này. Khi lệnh giãn cách xã hội ở Hà Nội được nới lỏng cách đây hai tuần, có thể thấy đường phố lại tràn đầy sức sống với tốc độ chóng mặt.

Bây giờ sẽ là vấn đề cân bằng giữa hai khía cạnh quan trọng: bảo vệ sức khỏe của người dân và sức khỏe của nền kinh tế. Nghèo đói cũng có thể lấy mạng người. Tôi tin nếu Việt Nam mở cửa hoàn toàn trong thời gian sớm nhất, nếu tất cả các cửa hàng và nhà hàng mở cửa, nếu các chuyến du lịch trong nước và quốc tế được khôi phục trở lại, thì Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng. Khi đó, các gói kích thích tài khóa khác cũng như các biện pháp chính sách tiền tệ mở rộng cũng sẽ không còn cần thiết.

PV: Xin cảm ơn ông!

Luôn cần tạo không gian tài khóa để đối đầu với những biến động lớn

Theo GS. TS Andreas Stoffers, việc ra mắt các gói hỗ trợ của Chính phủ đang gây áp lực lớn mọi lúc mọi nơi lên nguồn thu ngân sách trong năm 2021 và tương lai. Các nhà hoạch định chính sách cần nhìn vào cơ cấu thu - chi ngân sách để đánh giá khả năng trích lập của nó và Việt Nam luôn cần tạo không gian tài khóa để đối đầu với những biến động lớn như Covid-19.

Tất nhiên, đất nước phải được trang bị cho những trường hợp khẩn cấp. Điều này bao gồm việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các biện pháp khẩn cấp trong thời điểm thuận lợi. Điều đó mang lại tác dụng trong thời kỳ khủng hoảng mà không cần phải mở rộng ngân sách nhà nước quá mức, bởi điều này sẽ cản trở sự phát triển mới. “Tôi đánh giá các điều kiện kinh tế cơ bản của Việt Nam là khả quan. Về mặt này, tôi rất lạc quan về sự tái định vị của Việt Nam sau khủng hoảng”- GS. TS Andreas Stoffers nhấn mạnh.

Khi sự phục hồi của Việt Nam tiếp tục, ông khuyến nghị tập trung mạnh mẽ vào việc cải thiện hệ thống y tế. Cũng cần có sự đầu tư vào kiến thức kinh tế và tài chính của người dân, để mọi người có thể tự chịu trách nhiệm, tự biết cách tạo ra giá trị giúp bản thân vượt qua nghịch cảnh. Cho dù đó là khó khăn của từng cá nhân, hay như trong trường hợp này là toàn bộ nền kinh tế.

Thảo Miên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam