Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài:

Dù có cố gắng lớn nhưng tiến độ rất chậm

10:02 | 08/10/2021 Print
(TBTCO) - Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành đến nay mới đạt 19,03% (3.166 tỷ đồng), trong khi của các địa phương tỷ lệ tương ứng chỉ đạt 9,82% kế hoạch vốn được giao (gồm cả vốn cấp phát và cho vay lại). Thông tin này được Bộ Tài chính công bố tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021, diễn ra ngày 7/10/2021.

9 bộ đề nghị trả lại toàn bộ số vốn 8.054 tỷ đồng

Thông tin tại hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài ở khối bộ, ngành đạt rất thấp, thậm chí cực kỳ thấp so với các năm 2020 và 2019. Tính đến ngày 6/10/2021, tỷ lệ giải ngân chung mới đạt 19,03% kế hoạch so với yêu cầu tại công điện của Thủ tướng Chính phủ, dù con số này đã thể hiện sự cố gắng rất lớn.

Dù có cố gắng lớn nhưng tiến độ rất chậm
Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Bộ Tài chính.

Đáng nói, có 7 bộ được giao vốn có tỷ lệ giải ngân bằng 0%; trong khi 9 bộ có văn bản đề nghị trả lại toàn bộ số vốn là 8.054 tỷ đồng, chiếm 44,08% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn này có thể phải điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Võ Hữu Hiển, tính đến 6/10/2021, Bộ Tài chính đã nhận được 620 bộ hồ sơ rút vốn của các bộ, ngành. Tất cả hồ sơ rút vốn đều đã được xử lý khẩn trương, các đơn rút vốn chưa đầy đủ hoặc thiếu sót đều được phối hợp với chủ dự án để giải quyết, đến nay không còn tồn đọng đơn rút vốn.

Trước đó tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn vay nước ngoài là 51.550 tỷ đồng, trong đó của bộ, ngành là 16.637 tỷ đồng; địa phương là 34.913 tỷ đồng. Các bộ, ngành nhập dự toán trên hệ thống Tabmis đến hết tháng 9/2021 là 13.043 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch.

Địa phương giải ngân rất chậm

Chủ trì hội nghị trực tuyến giải ngân với các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, theo số liệu từ các đơn vị của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân 9 tháng của các địa phương đạt tỷ lệ tương đối thấp, hiện mới đạt 9,82% kế hoạch vốn được giao (gồm cả vốn cấp phát và cho vay lại). Một số địa phương đến nay chưa có tỷ lệ giải ngân, như: Lào Cai, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Kon Tum, Đồng Nai, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dịch bệnh vẫn là nguyên nhân chính khiến giải ngân đạt thấp

Theo phản ánh của đại diện các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gần như toàn bộ công trường ở các địa phương đều dừng thi công, tư vấn nước ngoài không nhập cảnh được. Một số bộ, ngành cho biết đã có văn bản gửi UBND tỉnh có giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đề nghị cho phép đơn vị thi công tự cách ly tại công trường nhưng chỉ một vài tỉnh cho phép... Ngoài ra, còn có nguyên nhân do vướng mắc về giải phóng mặt bằng; giá vật liệu xây dựng đầu năm tăng cao…

Hiện tại, mới có 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 20%; 11/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân là 0%, trong đó có các tỉnh: Lai Châu, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Kon Tum không thuộc vùng phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, với tình hình này sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bởi vốn đầu tư công là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu chi đầu tư phát triển nói chung, đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021. Trong khi, năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2025, nên nếu tiến độ thực hiện đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng đến năm 2022 và các năm tiếp theo.

Công khai số liệu và tình hình giải ngân của từng bộ, địa phương

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, trên cơ sở kết quả hội nghị, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân vốn, cũng như các biện pháp kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo chung. Trên tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, qua rà soát đối chiếu số liệu, Bộ Tài chính sẽ công khai số liệu và tình hình giải ngân của từng tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình chung và thấy được trách nhiệm của mình trong thực hiện giải ngân.

Về các giải pháp từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các địa phương rà soát lại khả năng giải ngân và thực hiện từ nay đến cuối năm, trên cơ sở đó có văn bản chính thức đề xuất giảm kế hoạch vốn gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trước ngày 15/10, để 2 bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, địa phương nào có nhu cầu tăng vốn cũng đề xuất sớm.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố tích cực chỉ đạo các các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với nhà tài trợ tổ chức thực hiện dự án để có khối lượng và triển khai các thủ tục về thanh toán (đơn rút vốn, kiểm soát chi, hoàn lại hồ sơ chứng từ để hạch toán ghi thu, ghi chi) cho phù hợp.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Kho bạc Nhà nước cam kết kiểm soát chi trong vòng 03 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Đối với các dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh các hiệp định vay, đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ, sau khi Thủ tướng đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư xong, trường hợp phải điều chỉnh về hiệp định vay, Bộ Tài chính sẽ cùng với các địa phương trao đổi, đàm phán với nhà tài trợ để điều chỉnh hiệp định vay phù hợp.

Đức minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam