Dịch bệnh khiến nợ thuế đang có chiều hướng tăng

10:01 | 08/10/2021 Print
(TBTCO) - Đến nay, có 23 địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã có những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và tác động mạnh đến tiến độ thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là công tác thu hồi nợ thuế. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác thu hồi nợ đang bị chậm lại, nợ thuế đang có chiều hướng tăng.

9 tháng đầu năm thu được 22 nghìn tỷ đồng nợ thuế

Năm 2021, ngành Thuế được giao thu tối thiểu 80% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2020 chuyển sang, tương đương với 30.100 tỷ đồng.

Trong tháng 9/2021, toàn ngành Thuế ước thu đạt 1.100 tỷ đồng nợ thuế. Thu nợ quý III/2021 ước đạt 5.698 tỷ đồng, bằng 78,8% so với quý II/2021, bằng 106% so với cùng kỳ. Lũy kế tính đến thời điểm ngày 30/9/2021, toàn ngành Thuế thu được 22.000 tỷ đồng nợ thuế, đạt 73,1% chỉ tiêu thu nợ được giao, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 15.220 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 6.780 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân

Đối với công tác xử lý khoanh nợ, xoá nợ thuế không còn khả năng thu theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, 9 tháng năm 2021, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 94, lũy kế ước đạt 4.844 tỷ đồng (trong quý III/2021 ước đạt 1.594 tỷ đồng, bằng 487% so với quý II/2021).

Lũy kế thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội đến cuối tháng 9/2021 ước đạt 28.999 tỷ đồng. Trong đó: Xử lý khoanh nợ là 25.651 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền chậm nộp là 3.348 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế đánh giá, những tháng đầu năm 2021, do tiếp nối kết quả đã đạt được của năm 2020, kinh tế vĩ mô ổn định và có sự khởi sắc. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác thu hồi nợ của ngành Thuế đang bị chậm lại, vì thế nợ thuế đang có chiều hướng tăng.

Nợ thuế tăng 23,5% so với cuối năm 2020

Báo cáo của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, tổng số tiền nợ thuế toàn ngành Thuế đang quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/9/2021 là 117.991 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với thời điểm ngày 31/12/2020 nợ thuế lại tăng 23,5%, tăng 3,3% so với thời điểm ngày 31/8/2021.

Báo cáo cũng cho thấy, nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/9/2021 là 107.117 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ, tăng 29% so với thời điểm ngày 31/12/2020, tăng 3,5% so với thời điểm ngày 31/8/2021. Trong đó: Nợ tiền thuế có khả năng thu là 61.284 tỷ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ, tăng 5,8% so với thời điểm ngày 31/8/2021. Tiền phạt và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu (tính 0,03%/ngày trên số thuế chậm nộp) là 21.295 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ, tăng 2,8% so với thời điểm ngày 31/8/2021.

Hơn 9.400 tỷ đồng tiền thuế nợ đang xử lý

Theo Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) là 9.444 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, tăng 1,5% so với thời điểm ngày 31/8/2021. Tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện là 1.427 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ, giảm 0,8% so với thời điểm ngày 31/8/2021.

Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 24.538 tỷ đồng, giảm 49,9% so với cùng kỳ, giảm 1,1% so với thời điểm ngày 31/8/2021. Nợ thuế không còn khả năng thu giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 là do cơ quan thuế các cấp thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi nêu trên không bao gồm tiền thuế nợ đã được xử lý khoanh nợ theo Nghị quyết số 94 và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội.

Theo Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) là 9.444 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, tăng 1,5% so với thời điểm ngày 31/8/2021. Tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện là 1.427 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ, giảm 0,8% so với thời điểm ngày 31/8/2021.

Trong khó khăn thách thức, kết quả thu nợ ngành Thuế thực hiện là khá tích cực, song theo Tổng cục Thuế báo cáo, số nợ thuế ước tại thời điểm 30/9/2021 tăng so với thời điểm 31/12/2020 do từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, rất nhiều địa phương phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên chưa nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, làm tăng nợ thuế.

Bên cạnh đó, phát sinh thêm tiền chậm nộp tính theo mức 0,03%/ngày trên tổng số tiền thuế nợ làm tăng nợ thuế. Tính đến thời điểm 30/9/2021, tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2021 là 10,6%, trong đó: Tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2021 là 7,4%; tỷ lệ nợ thuế không còn khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2021 là 2,2%; nợ đang xử lý trên tổng dự toán thu năm 2021 là 0,8%; nợ đang khiếu nại trên tổng dự toán thu năm 2021 là 0,1%.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu nợ được giao, những tháng cuối năm ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, giải quyết, thẩm định các hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; tổng hợp kết quả xử lý của toàn ngành Thuế. Hướng dẫn, giải đáp và xử lý các vướng mắc về việc khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn, miễn tiền chậm nộp và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam