Tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững

09:59 | 08/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Nhìn lại kinh tế - xã hội của Thủ đô trong 5 năm qua (2016-2020), có thể nhận thấy thành phố Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và đạt nhiều kết quả toàn diện, nổi bật, từ đó đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Kinh tế phát triển bền vững

Theo UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, sau 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững
Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng xanh, sạch đẹp hơn.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16,2% GDP, 19,1% thu ngân sách nhà nước và 8,1% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của Vùng đồng bằng sông Hồng và ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Có thể thấy, kinh tế của Hà Nội phát triển bền vững; tài chính, ngân sách luôn ổn định, các cân đối được bảo đảm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cả nước. Thành phố tích cực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả vượt bậc...

“Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố và Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 của thành phố: Đây là những nội dung quan trọng không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà còn có tính chiến lược lâu dài, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố… cũng như thực tiễn của thành phố đặt ra” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã ngày càng đa dạng, tỷ lệ hoạt động hiệu quả ngày càng nâng cao. Xây dựng nông thôn mới thu được kết quả toàn diện, nổi bật, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao…

Bên cạnh đó, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành và khởi công. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực…

Vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế

Theo tờ trình Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của UBND TP. Hà Nội mới đây, Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5 - 8%. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65 - 65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5 - 23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4 - 1,6%. GRDP bình quân/người đạt 8.300 - 8.500 USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7 - 7,5%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, thành phố đã đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, xác định tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; phát triển đồng bộ các loại thị trường; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững...

Thành phố cũng tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.

Về giải pháp thực hiện chủ yếu, thành phố sẽ tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, đầy đủ trong cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận xã hội và thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch. Phát động và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, người lao động... Kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, thị trường xuất, nhập khẩu; tích cực tháo gỡ khó khăn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy tăng trưởng..

Nhận thức rõ nhiệm vụ là rất nặng nề với những khó khăn, thách thức tiềm ẩn phía trước còn rất to lớn, UBND TP. Hà Nội sẽ quyết tâm nỗ lực hết mình, hành động khẩn trương, quyết liệt để thực hiện hoàn thành và phấn đấu với mức cao nhất trong điều kiện có thể các mục tiêu nhiệm vụ mà HĐND thành phố đã quyết nghị…

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, UBND thành phố sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai ngay các Nghị quyết vừa được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ hai. Trong đó, tập trung vào những nghị quyết có tác động lâu dài, trực tiếp đến người dân như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư đường Vành đai 4; hệ thống cơ sở y tế và giáo dục - đào tạo; các thiết chế văn hóa và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử; về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chính sách về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội trên địa bàn thành phố…

Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của Hà Nội

Từ ngày 16/9 đến nay, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...

Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch Covid-19 trên tinh thần là giảm mức độ ảnh hưởng của đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Thành uỷ cũng đã ban hành nghị quyết chỉ đạo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 của TP. Hà Nội; nghị quyết về chủ trương triển khai đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4. Đây là những quyết sách chiến lược, lâu dài nhằm tạo động lực phát triển cho Thủ đô...

Hiện nay, UBND thành phố đã và đang triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm là: tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Đối với những ổ dịch mới phát sinh như tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thành phố đã chỉ đạo khẩn trương tập trung khoanh vùng, truy vết thần tốc, nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch lây lan, thu hẹp dần diện phong toả để sớm kết thúc ổ dịch này. Thành phố sẽ tiếp tục quan điểm nhất quán là luôn linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng cho người dân...

Quốc Đạt

© Thời báo Tài chính Việt Nam