AMRO dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 2,6% trong năm 2021

11:44 | 08/10/2021 Print
(TBTCO) - Theo báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 (AREO) 2021 vừa được Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố. Theo đó, AMRO đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN+3. Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2021.
AMRO dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 2,6% trong năm 2021
Nguồn: AMRO

Tăng trưởng khu vực dự kiến giảm còn 6,1%

Trong báo cáo AREO 2021 hồi tháng 3, AMRO dự báo, tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN+3 (gồm 10 nền kinh tế ASEAN và Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc) đạt 6,7% trong năm nay. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật lần này, mức tăng trưởng dự kiến của khu vực đã được điều chỉnh giảm xuống còn 6,1% trong năm 2021.

AMRO cho biết, những rủi ro được dự báo trong báo cáo tháng 3 đã dần hiện hữu bởi sự gián đoạn trong các hoạt động kinh tế, do dịch bệnh từ biến thể Delta, đã dẫn đến việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng ASEAN+ 3 cho năm nay.

Tăng trưởng khu vực kinh tế ASEAN được dự báo chỉ đạt 2,7%, thấp hơn so với dự báo 4,9% trước đó. Tại khu vực ASEAN, Singapore là quốc gia duy nhất được nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2021 từ 6% trong lên 6,3%.

Dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế còn lại trong khu vực ASEAN đều được điều chỉnh giảm so với con số AMRO dự báo hồi tháng 3. Trong đó, tăng trưởng dự kiến của Myanmar được điều chỉnh giảm sâu nhất xuống còn -18,7% so với con số -2,8% hồi đầu năm.

Xu hướng này cũng diễn ra với các nước đối tác của ASEAN trong khu vực ASEAN+3. Cụ thể, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 6,1% so với con số dự báo 6,7% trước đó. Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản giảm từ 2,7% xuống còn 2,6%. Trong khi đó, Hồng Kông (Trung Quốc) được điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng từ 4,8% lên 6,5%; tăng trưởng của Hàn Quốc được điều chỉnh tăng từ 3,2% lên 3,9%.

Tuy nhiên, sự tiến bộ nhanh chóng của khu vực ASEAN+3 trong việc tiêm chủng sẽ là một yếu tố tích đem đến triển vọng cho sự lạc quan thận trọng về tăng trưởng của khu vực. AMRO nhận định, các nền kinh tế ASEAN+3 đang đạt được đà phục hồi và toàn khu vực dự kiến ​​sẽ tăng trưởng mạnh trong năm tới. Lạm phát toàn khu vực dự kiến ​​sẽ tăng lên từ mức 2,4% trong năn nay lên 2,9% vào năm 2022.

Theo ông Hoe Ee Khor - Kinh tế trưởng của AMRO: “Con đường phục hồi được mở dần bằng chiến dịch tiêm chủng. Với phần lớn các nền kinh tế trong khu vực đang trên đà đạt được mục tiêu tiêm chủng vào đầu năm 2022, chúng tôi kỳ vọng khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong năm tới, tốt hơn một chút so với dự báo hồi tháng 3 (4,9%)”.

Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,5% vào năm 2022

Tại Báo cáo tham vấn thường niên về Việt Nam được công bố hồi tháng 5/2021, AMRO dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức 7% vào năm 2021 và 6,8% vào năm 2022.

Tuy nhiên, cùng với xu thế triển vọng kinh tế suy giảm do tác động của làn sóng Covid-19 với biến thể Delta trong khu vực, tăng trưởng của Việt Nam cũng bị điều chỉnh giảm. Tại bản cập nhật AREO 2021 lần này, AMRO dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 giảm còn 2,6%.

Mặc dù vậy, theo AMRO, triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vẫn rất tích cực. Tại bản cập nhật này, AMRO đã nâng dự báo tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2022 lên mức 7,5%, cao hơn con số dự báo 6,8% hồi tháng 5.

Con số lạm phát của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ nguyên dự báo 3,2% cho năm 2021. Mức lạm phát này dự kiến sẽ được duy trì ổn định cho cả năm 2022.

Theo AMRO, quỹ đạo tăng trưởng của ASEAN+ 3 sẽ phụ thuộc vào việc khu vực chuyển đổi thành công như thế nào sang một “trạng thái bình thường mới đặc hữu”, đồng thời đối phó với những “vết sẹo kinh tế” do đại dịch để lại.

Tác động tiêu cực của đại dịch đối với khu vực đã được giảm nhẹ nhờ các chính sách hỗ trợ chưa từng có và các nền kinh tế đang phục hồi tốt đã bắt đầu giảm quy mô các biện pháp đó.

Bà Li Lian Ong - Trưởng nhóm Giám sát tài chính và khu vực của AMRO cho biết, giảm dần các biện pháp hỗ trợ sẽ là một động thái cân bằng quan trọng cho ASEAN+3 vào năm 2022 .

Bà Ong cũng cảnh báo: “Chấm dứt các hỗ trợ quá nhanh có nguy cơ làm chệch hướng sự phục hồi của khu vực; còn nếu quá chậm có nguy cơ tạo ra các doanh nghiệp và lĩnh vực không có khả năng sống sót với chi phí lớn cho ngân sách tài chính”.

Theo AMRO, bất kỳ sự gỡ bỏ hỗ trợ chính sách nào cũng cần phải đảm bảo sự cân bằng mong manh giữa việc duy trì không gian chính sách còn lại và hỗ trợ sự phục hồi. Để đạt được cả hai mục tiêu trên yêu cầu các nước phải thực hiện chiến dịch tiêm chủng thành công; có hệ thống chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ hơn và sự chuyển đổi của lực lượng lao động và các ngành công nghiệp để giải quyết những thách thức do đại dịch gây ra, cũng như nắm bắt cơ hội trong điều kiện bình thường mới.

Nếu không được giải quyết hợp lý, sự không đồng đều trong sự phục hồi giữa các lĩnh vực kinh tế và doanh nghiệp, các nhóm dân cư, và các nền kinh tế trong khu vực có thể dẫn đến bất bình đẳng kéo dài và bất bình đẳng xã hội.

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam