Áp dụng hoá đơn điện tử: Vẫn còn tâm lý ‘nước đến chân mới nhảy’

07:29 | 09/10/2021 Print
Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, từ 1/7/2022 tổ chức, cá nhân bắt buộc phải áp dụng hoá đơn điện tử. Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích áp dụng, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người nộp thuế còn tâm lý e ngại, chờ đợi đến thời gian chót mới áp dụng.
Chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng hóa đơn điện tử từ tháng 11 Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị tập huấn về hóa đơn điện tử Hoàn thiện quy trình, tập huấn để triển khai hoá đơn điện tử Sẽ quay số trúng thưởng hóa đơn điện tử có mã từ máy tính tiền Ngành Thuế: Tập trung mọi nguồn lực triển khai hóa đơn điện tử Chính thức triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy từ 1/7/2022

Bắt buộc áp dụng từ 1/7/2022

Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, kể từ ngày 1/7/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện hóa đơn điện tử (trừ một số trường hợp không đủ điều kiện theo quy định).

Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC cũng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin sử dụng hóa đơn điện tử trước ngày 1/7/2022.

Áp dụng hoá đơn điện tử: Vẫn còn tâm lý ‘nước đến chân mới nhảy’
Từ 1/7/2022 bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử. Ảnh: NM.

Để Luật Quản lý thuế sớm đi vào cuộc sống, ngay sau khi luật được ban hành, Tổng cục Thuế đã tiến hành hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, nâng cấp cơ sở hạ tầng để triển khai áp dụng hóa đơn điện tử.

Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), cho biết để triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 123.

Từ ngày Thông tư 78 được ban hành (17/9/2021) đến hết ngày 30/6/2022, đối với các địa bàn đã đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để triển khai hóa đơn điện tử theo quyết định của Bộ Tài chính, cơ sở kinh doanh trên địa bàn có trách nhiệm chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử, theo lộ trình thông báo của cơ quan thuế.

“Với trường hợp cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo các hình thức nêu trên thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo mẫu, cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế tiếp nhận dữ liệu hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn” - ông Huy nói.

Tâm lý ngại thay đổi, chờ đợi đến hạn chót

Mặc dù Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách pháp luật mới về hóa đơn điện tử, cũng như khuyến khích tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin sớm áp dụng hóa đơn điện tử, tuy nhiên vẫn còn không ít doanh nghiệp ngại chuyển đổi, chờ đến thời hạn chót mới áp dụng.

Ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng cho biết, thời điểm bắt buộc áp dụng là 1/7/2022, do đó nhiều doanh nghiệp trên địa bàn chưa muốn chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử.

“Mục tiêu của TP. Hải Phòng là đến cuối năm 2020 có 100% doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên đến hết tháng 8/2021, mới có 71,12% doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng. Bên cạnh nguyên ngân khách quan, cũng có nguyên nhân chủ quan. Một số doanh nghiệp cho rằng chưa đến thời điểm bắt buộc áp dụng nên chưa chuyển đổi” - ông Trường nói

Doanh nghiệp mới thành lập nếu đủ điều kiện sẽ áp dụng ngay

Theo hướng dẫn của Thông tư 78/2021/TT-BTC, đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày thông tư này được ban hành đến hết ngày 30/6/2022, nếu cơ sở kinh doanh đủ điều kiện thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì áp dụng hóa đơn điện tử ngay.

Trường hợp chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo quy định tại các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thì áp dụng hóa đơn như quy định cũ.

Cũng theo ông Trường, ngoài các doanh nghiệp có tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng phần mềm kế toán theo yêu cầu quản trị của công ty mẹ ở nước ngoài, nên việc kết nối phần mềm hóa đơn điện tử tại Việt Nam gặp khó khăn.

Mặt khác, các doanh nghiệp chế xuất, xuất nhập khẩu sử dụng hóa đơn thương mại, không sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng, hoặc hóa đơn bán hàng khi cung cấp dịch vụ nên cũng chưa triển khai được.

“Một số chi nhánh ngân hàng cũng chưa áp dụng hóa đơn điện tử do thực hiện theo chỉ đạo của trụ sở chính, chờ triển khai chung của toàn hệ thống. Một số doanh nghiệp sử dụng ít hóa đơn, số hóa đơn giấy còn tồn, nên tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy mà chưa chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử” - ông Trường nói.

Ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định cũng cho biết, thời điểm hiện tại trên địa bàn đã có 6.727 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, chiếm 85% tổng số doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn. Số còn lại chưa sử dụng là các tập đoàn, tổng công ty chưa áp dụng vì phải chờ công ty mẹ.

“Ngoài hệ thống ngân hàng, hệ thống siêu thị trên địa bàn cũng chưa áp dụng hóa đơn điện tử. Để phấn đấu mục tiêu đến cuối năm 2021 có 100% doanh nghiệp đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sớm chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử” - ông Đẩu nói.

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam