Thị trường chứng khoán sẽ sớm thoát khỏi giai đoạn đi ngang?

10:34 | 10/10/2021 Print
(TBTCO) - Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được trạng thái cân bằng và sớm thoát khỏi giai đoạn đi ngang nếu nền kinh tế phục hồi thuận lợi. Dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với các tín hiệu khả quan từ quá trình kiểm soát dịch bệnh và chiến lược mở cửa dần nền kinh tế sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Với các yếu tố tác động trái chiều, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tháng 9 không biến động nhiều về điểm số. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối cùng của tháng tại mốc 1.342,06 điểm, tăng 10,59 điểm (+0,8%) so với tháng trước.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đang thể hiện rõ đặc tính của một thị trường đi ngang với cung cầu tương đối cân bằng. Tác động trái chiều từ vĩ mô và kỳ vọng nền kinh tế ấm dần lên khiến đà tăng của nhóm vốn hóa trụ cột chững lại. Trong khi đó, tín hiệu từ các chỉ báo kỹ thuật trở thành điểm tựa cho các nhà đầu tư lựa chọn cơ hội khiến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển đến nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index và chỉ số VN30 tăng tương ứng 21,6% và 35,8%, chỉ số VNMidcap tăng 32,2% và riêng chỉ số VNSmallcap tăng vượt trội 53,1%

Triển vọng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp thay đổi

Số liệu kinh tế vĩ mô trong quý III/2021 ghi nhận mức tác động nặng nề của giãn cách xã hội lên tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất ở các tỉnh, thành phía Nam, kết hợp với sự sụt giảm nghiêm trọng của tiêu dùng nội địa khiến cho GDP quý III lần đầu tiên suy giảm so với cùng kỳ.

Thị trường chứng khoán sẽ sớm thoát khỏi giai đoạn đi ngang?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của SSI Research, điểm tích cực là ngành chế biến, chế tạo ghi nhận mức độ giảm khá khiêm tốn và hoạt động sản xuất đã phần nào có tín hiệu phục hồi trong tháng 9. Lạm phát cũng được kiểm soát tốt và tạo điều kiện giúp chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng xuyên suốt từ đầu năm. Trong khi đó, không gian tài khóa của Việt Nam vẫn còn đủ để có thể thực hiện các gói hỗ trợ. Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại trong quý IV, tuy nhiên ít có khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2021 và nhiều khả năng một phần vốn không nhỏ sẽ được chuyển nguồn để giải ngân trong năm 2022.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 kéo dài hơn dự kiến đã khiến cho triển vọng kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết thay đổi. Cụ thể, SSI Research kỳ vọng, lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài hơn để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế. Ngay trong tháng 9, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của các ngân hàng tiếp tục giảm 10 - 30 điểm cơ bản. Bên cạnh đó, nợ xấu của ngành ngân hàng tăng cao hơn dự kiến và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%. Đây là kết quả được dự báo khi các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn, theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

Khi nào xu hướng đi ngang của VN-Index kết thúc?

Theo đánh giá của các chuyên gia SSI Research, diễn biến gần như đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 và tháng 9 phù hợp bối cảnh vĩ mô và không cho thấy sự phản ứng quá đà. Chiến lược phòng chống dịch của Chính phủ linh hoạt hơn, chuyển từ “không Covid’’ sang “sống chung với Covid” gợi mở kỳ vọng khôi phục và phát triển kinh tế nhanh trở lại sẽ tháo gỡ nút thắt tâm lý cho các nhà đầu tư trên thị trường trong thời điểm hiện tại. Tâm lý thị trường cho thấy sự ổn định nhờ các số liệu vĩ mô được hấp thụ dần theo tháng và cũng không nằm ngoài dự đoán.

“Điểm tích cực là dòng tiền vẫn duy trì tốt trên thị trường khi trú ẩn ở nhóm vốn hóa thấp và một số ngành dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III trong khi chờ đợi xu hướng sắp tới. Chúng tôi cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý III/2021 do tác động từ giãn cách đã được chiết khấu phần lớn vào diễn biến giá trong 2 tháng gần đây” – chuyên gia của SSI Research cho hay.

Đánh giá về các nhóm ngành, các chuyên gia này cho rằng, trong khi triển vọng lợi nhuận các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ô tô/xe máy, dầu khí và ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều từ đợt giãn cách. Trong khi đó, một số ngành lại được hưởng lợi từ giá hàng hóa đã có mức tăng mạnh kể từ đầu năm như sắt thép, đường, phân bón, hóa chất. Ngoài ra, vận tải container và một số ngành liên quan đến xuất khẩu cũng dự kiến có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.

Thị trường chứng khoán sẽ sớm thoát khỏi giai đoạn đi ngang?

Về vận động kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn đang trong giai đoạn giằng co và đi ngang trong kênh giá 1.320 – 1.360 điểm. Theo các chuyên gia SSI Research, xu hướng đi ngang của chỉ số sẽ kết thúc khi xảy ra 1 trong 2 kịch bản.

Kịch bản 1: Xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index sẽ được xác nhận khi chỉ số chinh phục thành công kháng cự 1.360 điểm với khối lượng tích cực (tốt hơn mức bình quân 20 phiên). Khi đó, VN-Index có thể hướng tới các vùng mục tiêu tiếp theo nằm tại 1.380 – 1.388 điểm.


Kịch bản 2: Rủi ro điều chỉnh ngắn hạn sẽ quay trở lại với VN-Index nếu chỉ số kết thúc giai đoạn tích lũy bằng một cây nến giảm điểm, phá vỡ hỗ trợ 1.320 điểm đi cùng thanh khoản gia tăng. Khi đó, chỉ số có thể tìm điểm cân bằng quanh vùng hỗ trợ 1.300 – 1.285 điểm trước khi hồi phục trở lại.

Cũng theo SSI Research, hệ số định giá P/E năm 2021 và 2022 của chỉ số VN-Index hiện đang ở mức 16,05 lần và 12,87 lần vào ngày 5/10, cho thấy khả năng tăng duy trì trong dài hạn.

“Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế, tuy nhiên với các tín hiệu khả quan từ quá trình kiểm soát dịch bệnh và chiến lược mở cửa dần dần nền kinh tế được định hướng rõ ràng từ Chính phủ, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được trạng thái cân bằng ở mức định giá này và sớm thoát khỏi giai đoạn đi ngang nếu nền kinh tế phục hồi thuận lợi” – chuyên gia của SSI Research nhận định./.

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam