Nâng cao trình độ nguồn nhân lực: Chìa khóa để phát triển kinh tế trong bối cảnh mới

07:37 | 12/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, PGS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân - nhấn mạnh, sự hạn chế về năng lực của nguồn lao động đã ảnh hưởng đến giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu tại Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục an phận với vị trí thấp trong chuỗi giá trị này thì khả năng tăng trưởng và phát triển nền kinh tế trong thời gian tới là rất khó khăn.
Nâng cao trình độ nguồn nhân lực: Chìa khóa để phát triển kinh tế trong bối cảnh mới
Nguồn nhân lực của Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

PV: Theo đánh giá của các chuyên gia, sau nhiều năm cải thiện, trình độ và năng suất của nguồn nhân lực tại Việt Nam đã được nâng cao đáng kể. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn lao động của nước ta hiện nay?

PGS.TS Tô Trung Thành: Với vị trí là quốc gia đang phát triển, nguồn nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Do đó trong nhiều năm qua, chúng ta đã tập trung, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nâng cao trình độ nguồn nhân lực: Chìa khóa để phát triển kinh tế trong bối cảnh mới
PGS.TS Tô Trung Thành

Tôi cho rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam về cơ bản là có trình độ nhất định, có năng lực và tay nghề. Tỷ lệ lao động được qua đào tạo nghề đang ngày càng được nâng lên, đáp ứng cơ bản yêu cầu trong sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp; tỷ lệ lao động chuyên môn cao gia tăng…

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống dây chuyền sản xuất như hiện nay thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Hay nói cách khác, sự phát triển nguồn nhân lực của nước ta chưa tương xứng với tiềm năng cũng như yêu cầu đặt ra trong bối cảnh kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây cũng là lý do mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII có đề cập đến nội dung trong giai đoạn sắp tới phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

PV: Vậy theo ông, điểm yếu lớn nhất của nguồn nhân lực nước ta hiện nay là gì? Điều đó đã tác động như thế nào đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế đang có độ mở cao, hội nhập sâu như nước ta nói chung?

PGS.TS Tô Trung Thành: Tôi cho rằng, một trong những điểm yếu lớn nhất của nguồn nhân lực nước ta là thiếu kỹ năng làm việc, nhất là kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, khả năng thích ứng của lao động với bối cảnh mới, đặc biệt là với nền kinh tế số còn rất kém. Các yếu tố đó khiến cho năng suất không cao, giá trị mang lại thấp, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và vươn lên của doanh nghiệp.

Về tổng quan, Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua một loạt các hiệp định thương mại tự do lớn được ký kết trong thời gian qua. Điều đó cũng có nghĩa là nước ta đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Song đáng tiếc, chúng ta đang ở một vị thế khá thấp kém, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do trình độ nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng được quá trình sản xuất hiện đại của chuỗi cung ứng.

Xu hướng sẽ phát triển các ngành
tích hợp công nghệ cao

Dự báo về thị trường lao động Việt Nam năm 2021 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (FALMI) cho thấy, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 79,17%, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp nghề - lành nghề chiếm 22,77%; trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ 19,93%, cao đẳng chiếm 15,80%, đại học trở lên chiếm 20,67%. Với xu hướng mới, năm 2021 thị trường lao động sẽ phát triển các ngành tích hợp công nghệ cao như các ngành công nghiệp, dịch vụ kỹ thuật, an ninh mạng, an toàn thông tin, thương mại điện tử... Đây cũng chính là điểm nổi bật trong những năm tới đây.

Ví dụ, DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam chủ yếu để tận dụng nguồn lao động có giá rẻ. Trong các doanh nghiệp này, lao động Việt Nam chỉ làm việc tại các vị trí yêu cầu rất thấp, các khâu đơn giản như gia công, chế biến, lắp ráp… chứ không làm được việc ở vị trí then chốt, vị trí tạo ra giá trị cao.

Chính sự hạn chế về năng lực của nguồn lao động đã ảnh hưởng đến giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu tại Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục an phận với vị trí thấp trong chuỗi giá trị này thì khả năng có thể tăng trưởng và phát triển nền kinh tế trong thời gian tới là rất khó khăn.

PV: Như vậy, để gia tăng chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu tại Việt Nam thì một trong những điểm thắt quan trọng cần phải tháo gỡ đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo ông, nước ta cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực ra sao và giải pháp cụ thể như thế nào để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế số, kinh tế tri thức, nhất là trong giai đoạn phát triển hậu đại dịch?

PGS.TS Tô Trung Thành: Nền kinh tế số, kinh tế tri thức đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng được thay đổi như vũ bão của khoa học công nghệ. Trước hết, chính sách phát triển nguồn nhân lực cần phải đi từ hai nền tảng quan trọng: Thứ nhất là giáo dục phổ thông cũng như giáo dục nền tảng. Lao động cần có khả năng ứng dụng những kiến thức lý thuyết vào thực tế, áp dụng các bài học và trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, có khả năng vận dụng thực hành tạo ra kỹ năng nghề nghiệp cao… Với nội dung này, tôi cho rằng Việt Nam cần có sự cải thiện vượt bậc trong thời gian tới.

Bên cạnh đó là giáo dục về kỹ năng cho nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng thích ứng với bối cảnh mới. Đặc biệt, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đòi hỏi lao động phải có tư duy ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hệ thống công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Ngoài ra, lao động cũng cần hướng đến nâng cao khả năng ngoại ngữ, trở thành nguồn nhân lực toàn cầu, đáp ứng được quá trình toàn cầu hóa của đất nước.

Về phía Nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp; liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp… Đồng thời khuyến khích các hoạt động sáng tạo, đổi mới để khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị gia tăng thông qua việc hỗ trợ cho lao động Việt có “chân” làm việc trong khu vực giá trị cao; ưu tiên chính sách phát triển nguồn nhân lực; ưu tiên các doanh nhân khởi nghiệp…

PV: Xin cảm ơn ông!

Thu nhập của người lao động khu vực dịch vụ giảm mạnh nhất do dịch

Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý III/2021 và 9 tháng năm 2021, thị trường lao động Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 và thời gian giãn cách xã hội kéo dài.

Tình hình lao động việc làm quý III của thị trường lao động cho thấy, số người có việc làm giảm đáng kể so với quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện đến nay. Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, quý III/2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng về thu nhập nặng nhất, với mức thu nhập bình quân đạt 6,2 triệu

đồng/tháng, giảm 13,5% so với quý trước. Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân đạt 5,8 triệu đồng/tháng, giảm 13,2% so với quý trước.

Thu nhập bình quân của lao động quý III/2021 đạt 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 847.000 đồng so với quý trước và giảm 573.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình này, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ có những biện pháp kịp thời, như tiếp tục phủ xanh vắc-xin toàn dân, đặc biệt là những thị trường lao động năng động thu hút nhiều lao động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát được dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam để tạo ổn định tâm lý của người dân.

Tố Uyên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam