“Không lo nhập siêu” hay “nhập siêu cũng không lo”?

07:29 | 12/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Xuất nhập khẩu/nhập siêu (cán cân thương mại) là một nội dung quan trọng của cán cân thanh toán – mà cán cân thanh toán là một “đỉnh” quan trọng của ngũ giác mục tiêu (tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít, môi trường được bảo vệ và cải thiện). Bàn luận về xuất nhập khẩu/nhập siêu thường được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, gần đây có 2 loại ý kiến khác lạ. Đó là không lo nhập siêu, và nếu có nhập siêu cũng không đáng lo?

Phải chăng “không lo nhập siêu”?

Ý kiến “không lo nhập siêu” xuất phát từ một số căn cứ chủ yếu.

“Không lo nhập siêu” hay “nhập siêu cũng không lo”?
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Hồng Vân

Rõ nhất là xuất siêu đã diễn ra liên tục trong thời gian dài nhất, với quy mô lớn nhất so với nhiều năm trước đó. Người đưa ra ý kiến “không lo nhập siêu” phải chăng xuất phát từ đà xuất siêu, nhất là xuất siêu lớn trong năm 2020 sẽ tiếp diễn sang năm 2021 này.

Người viết cho rằng, năm 2020 xuất siêu lớn nhất không hoàn toàn do xuất khẩu mạnh (khi GDP chỉ tăng 2,91%, xuất khẩu chỉ tăng 7%), mà có một phần quan trọng do nhập khẩu yếu. Nhập khẩu yếu chủ yếu do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu từ nước ngoài vào Việt Nam. Chính sự “đứt gãy” nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu từ năm trước đã góp phần làm nhập khẩu của năm 2021 tăng cao, và điều đó sẽ khó duy trì vị thế xuất siêu như năm 2020 cho năm 2021.

Một căn cứ khác là nhờ dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm được kiểm soát, giảm bớt sự “đứt gãy” nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu từ nước ngoài, nên xuất khẩu tăng cao hiếm thấy; trong khi nhập khẩu từ tháng 8 đã giảm (tháng 7 là 29,11 tỷ USD, tháng 8 còn 27,34 tỷ USD). Ý kiến trên đã đưa ra “không lo nhập siêu”.

Người viết cho rằng tốc độ tăng so với cùng kỳ của nhập khẩu vẫn cao hơn nhiều so với của xuất khẩu và chênh lệch tốc độ tăng vẫn rất lớn (5 tháng tăng 36,7% so với 30,9%, 6 tháng tăng 36,3% so với 29%, 7 tháng tăng 35,8% so với 26,2%, 8 tháng tăng 33,7% so với 21,8%). Việc tăng trưởng của xuất khẩu chậm lại nhanh hơn của nhập khẩu, việc kim ngạch nhập khẩu liên tục cao hơn của xuất khẩu chứng tỏ nhập siêu còn xảy ra. Căn cứ vào diễn biến 8 tháng, người viết dự đoán năm 2021 về xuất/nhập khẩu, xuất/nhập siêu như sau: xuất khẩu 316 tỷ USD, nhập khẩu 321 tỷ USD, nhập siêu khoảng 5 tỷ USD.

Phải chăng có nhập siêu cũng không lo?

Quan điểm này cho rằng “nhập siêu cũng không lo” xuất phát từ một số căn cứ.

Rõ nhất là nhập siêu để tránh nguy cơ bị “đứt gãy” nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu từ nước ngoài như đã từng xảy ra trong năm trước. Tuy nhiên, việc đứt gãy nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu từ nước ngoài của năm 2020 đã cơ bản được giải quyết trong những tháng đầu năm nay và với khả năng kiểm soát dịch bệnh thì nguy cơ bị đứt gãy cũng sẽ cơ bản được giải quyết.

Căn cứ thứ hai là xuất phát từ việc nhập khẩu tăng vừa qua do giá cả nhập khẩu tăng cao, đề phòng sẽ tăng cao nữa; nhưng tới đây sẽ giảm nhập khẩu để tránh nguy cơ “nhập khẩu lạm phát”.

Tuy nhiên, nhập khẩu tăng do cả 2 yếu tố: lượng nhập khẩu tăng và giá nhập khẩu tăng. Đó là đơn giá tính bằng USD; nếu tỷ giá VND/USD tăng (để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu) thì giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ tăng kép (vừa tăng do giá USD tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng).

Căn cứ thứ ba để nói rằng dù có nhập siêu cũng không đáng lo là Việt Nam có đủ nguồn lực để ứng phó với nhập siêu, khi tổng dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục mới, khi tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước…

Tuy nhiên, về nguồn lực không còn mạnh như những ý kiến trên tưởng. Bởi việc thu nhập bị bào mòn tác động tiêu cực của dịch làm cho doanh nghiệp, cơ sở kinh tế hoạt động gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu khi dự báo chỉ đạt 4 - 5%..., trong khi chi cho phòng chống dịch tăng, chi cho hỗ trợ, giải cứu tăng…, còn nguồn dự trữ của ngân sách cũng không khả quan, một số khoản chi phí phải tạm hoãn như tăng bảo kiểm xã hội, cải cách tiền lương…

Nhập siêu không chỉ là vị thế trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, mà còn tác động đến cán cân thanh toán tổng hợp, dự trữ ngoại hối, tác động đến tăng trưởng GDP ở trong nước có một phần thị phần tiêu thụ trong nước bị hàng nhập khẩu giành mất thị phần; trong khi tiêu thụ trong nước yếu, thì tăng trưởng sản xuất ở trong nước gặp khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 8 tháng tính theo giá thực tế giảm 4,7%, nếu loại thì yếu tố giá giảm 6,2% – lớn hơn mức giảm 5,8% của cùng kỳ 2020; nếu tính bình quân đầu người còn giảm sâu hơn nữa.

Phải lo nhập siêu và nhập siêu cũng phải lo. Đó là cảnh báo cần thiết!

9 tháng/2021, ước nhập siêu 2,13 tỷ USD hàng hóa

Theo Bộ Công thương, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng nên kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2021 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước vẫn xuất siêu 500 triệu USD, nhưng tính chung 9 tháng, ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.

Phương Dung

© Thời báo Tài chính Việt Nam