Bình Dương: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, khai thác hiệu quả các nguồn thu

07:30 | 11/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Sau TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương là địa phương bị thiệt hại nặng nề trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát. Riêng lĩnh vực kinh tế và thu ngân sách nhiều ngành, lĩnh vực bị chững lại, thậm chí giảm sâu so với dự toán, kế hoạch năm. Những tháng cuối năm, ngành Thuế tỉnh Bình Dương đang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế để phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tăng thu ngân sách.

Nhiều khoản thu lớn giảm sâu

Phân tích qua báo cáo 9 tháng đầu năm của Cục Thuế Bình Dương cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 nhưng về tổng thể kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn đạt 32.943 tỷ đồng, đạt 77,2% dự toán năm và bằng 100,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngay từ đầu năm 2021, khoản thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chênh lệch quyết toán năm 2020 không được gia hạn nên các doanh nghiệp (DN) phải đồng loạt nộp khoản thuế này ngay trong thời điểm 6 tháng đầu năm. Một số DN nộp tồn đọng số thuế gia hạn theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP và các doanh nghiệp thuộc diện được gia hạn theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP nhưng chưa gửi giấy gia hạn kịp thời. Đây là những nguyên nhân dẫn đến số thu 7 tháng đầu năm đạt khá.

Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19, một số DN kinh doanh thực phẩm, thuốc chữa bệnh, khẩu trang, găng tay phục vụ công tác phòng chống dịch nên sản phẩm tiêu thụ tốt dẫn đến nộp thuế tăng. Một số DN nộp thuế theo kết luận của các cơ quan kiểm tra và kiểm toán nhà nước như: Công ty TNHH kỹ nghệ gỗ Hoa Net nộp 93 tỷ đồng, Công ty Becamex nộp tiền thuê đất 1.567 tỷ đồng, Công ty 3/2 nộp tiền thuế sử dụng đất trên 300 tỷ đồng. Ngoài ra trong tháng 9, có phát sinh khoản thu đột biến từ tiền thuê đất và cổ tức của công ty Becamex 400 tỷ đồng; thu nợ tiền thuế bảo vệ môi trường của công ty Thanh Lễ 100 tỷ đồng. Những yếu tố này đã góp phần giữ ổn định mức thu ngân sách của Bình Dương trong 9 tháng qua.

Quy hoạch Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương.
Quy hoạch Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Ảnh: Gia Cư

Đại diện lãnh đạo Cục Thuế Bình Dương cho biết, các khoản thu ngân sách trong 7 tháng đầu năm tương đối ổn định nhưng bước sang tháng 8/2021, tình hình thu NSNN giảm sâu (dịch bùng phát và lây lan nhanh tại Bình Dương, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh - SXKD), đặc biệt một số nguồn thu lớn bị giảm như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế trước bạ, thu xổ số kiến thiết, thu từ đất. Các nguồn thu này ngoài lĩnh vực thu từ doanh nghiệp SXKD đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ ” thì các khoản thu phát sinh khác không đáng kể và có một số nguồn thu không phát sinh, vì vậy làm ảnh hưởng đến nguồn thu 9 tháng đầu năm 2021 của địa phương.

Trong tháng 8 và tháng 9, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Bình Dương trở thành tâm điểm của dịch bệnh. Số thu ngân sách mỗi tháng chỉ đạt trên dưới 1.400 tỷ đồng (gần 50% dự toán và trên 40% so với cùng kỳ). Số thu trên đã ảnh hưởng khá lớn đến kết quả thu ngân sách chung trong 9 tháng và cả năm 2021 của địa phương.

Tăng cường các giải pháp chống hụt thu ngân sách

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương Lê Thành Quý, trong quý IV/2021, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách ở mức cao nhất trong điều kiện dịch bệnh và khả năng có thể, cùng với các cấp chính quyền địa phương, ngành Thuế Bình Dương tiếp tục kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” trong mọi hoạt động. Nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, khai thác nguồn thu, quản lý tốt các nguồn thu, chống hụt thu trong những tháng cuối năm.

Nhiệm vụ trọng tâm của Cục Thuế Bình Dương là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, khai thác nguồn thu, quản lý tốt nguồn thu, chống hụt thu, tăng thu ngân sách trong những tháng cuối năm.

“Bước sang tháng 10 ngành Thuế tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cải cách hành chính. Theo dõi sát diễn biến tình hình thu ngân sách hàng tháng, quý để chỉ đạo kịp thời công tác điều hành thu ngân sách năm 2021 đạt hiệu quả cao nhất. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương, góp phần giúp người nộp thuế ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh” - ông Quý cho biết thêm.

Bên cạnh đó ngành Thuế cũng đang tích cực, tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp về gia hạn nộp thuế theo đúng quy định. Hỗ trợ giải quyết nhanh các hồ sơ hoàn thuế, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho các doanh nghiệp an tâm, ổn định và phát triển sản xuất. Đồng thời tập trung thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế theo Quyết định 1215/QĐ-TCT ngày 3/9/2020 về việc kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế trong thời kỳ dịch bệnh, nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch kiểm tra thuế năm 2021 đã được phê duyệt, góp phần tăng nguồn thu cho NSNN.

Ban lãnh đạo Cục Thuế Bình Dương cũng cho biết, trong quý IV toàn ngành đang triển khai quyết liệt hơn công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Tiếp tục thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội; giao nhiệm vụ thu nợ thuế cho từng đơn vị, từng công chức để đôn đốc, điều chỉnh kế hoạch thu nợ nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu nợ thuế và không để phát sinh nợ đọng mới. Tăng cường đôn đốc thu các khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP vào NSNN theo đúng quy định, nhằm đảm bảo tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam