Tăng cường kỷ luật kiểm soát chi, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn

07:10 | 11/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Trước diễn biến của dịch Covid-19, Kho bạc Nhà nước đã đưa ra một số lưu ý trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, để vừa thúc đẩy thanh toán, giải ngân nhanh các nguồn vốn vừa đảm bảo an toàn trong công tác chi trả.

Đã thanh toán trên 834.157 tỷ đồng

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Để đảm bảo chi trả nguồn ngân sách kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tập trung đẩy mạnh các cải cách hành chính, tăng cường giao dịch trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của kho bạc. Do vậy, dù dịch bệnh khiến cho nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, khiến cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn nhưng công tác kiểm soát chi của KBNN vẫn không bị ảnh hưởng.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân

Theo báo cáo từ KBNN, trong 9 tháng qua, toàn hệ thống đã thực hiện kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định. KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên NSNN nhất là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo; ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí mua vắc-xin, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, kinh phí hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh theo đúng quy định.

Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả Công điện số 1082/CĐ- TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, ngày 19/8/2021, Tổng giám đốc KBNN đã có Công điện số 10/CĐ-KBNN về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong toàn hệ thống KBNN.

Tính đến ngày 15/9/2021, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát, thanh toán 628.913 tỷ đồng vốn chi thường xuyên, bằng 59,2% dự toán chi thường xuyên năm 2021 của NSNN qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, tính đến ngày 15/9/2021, lũy kế thanh toán nguồn vốn này là 205.224,4 tỷ đồng, bằng 43% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao (477.790,5 tỷ đồng) và 38% tổng kế hoạch vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2021 (540.413,2 tỷ đồng).

Tăng cường kiểm soát chi đảm bảo kỷ luật, kỷ cương

Dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến vô cùng phức tạp và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc, trong khi nguồn ngân sách luôn phải được chi trả kịp thời, đúng mục đích và đúng đối tượng.

Do đó, KBNN lưu ý các đơn vị trong toàn hệ thống ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố. KBNN cấp tỉnh phối hợp với cơ quan tài chính và cơ quan lao động thương binh và xã hội trên địa bàn kịp thời chi trả, tổng hợp báo cáo gửi KBNN về các khoản chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, đảm bảo đúng chế độ quy định về đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ.

Đồng thời, KBNN yêu cầu KBNN cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát thanh toán đối với các khoản chi thường xuyên NSNN theo đúng quy định. Việc kiểm soát thanh toán các khoản chi này phải đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đúng nội dung, đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức của pháp luật hiện hành.

Từ chối thanh toán 16,5 tỷ đồng

Thông qua công tác kiểm soát chi, trong 9 tháng qua, toàn hệ thống kho bạc nhà nước đã từ chối thanh toán 16,5 tỷ đồng vốn chi thường xuyên và vốn chi đầu tư.

Cụ thể, đối với chi thường xuyên, các đơn vị kho bạc nhà nước đã phát hiện 66.245 khoản chi (tương đương với 7.285 tỷ đồng) chưa đủ thủ tục theo quy định. Các đơn vị kho bạc nhà nước đã yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách bổ sung thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 9,4 tỷ đồng.

Trong kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư, các đơn vị kho bạc nhà nước đã phát hiện 18.162 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định (tương đương với 9.164 tỷ đồng). Kho bạc nhà nước đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án bổ sung các thủ tục cần thiết. Số tiền thực từ chối thanh toán là 7,1 tỷ đồng.

Về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, KBNN đề nghị KBNN cấp tỉnh chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân vốn của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, KBNN cấp tỉnh tổng hợp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.

KBNN cấp tỉnh phối hợp với các chủ đầu tư thực hiện đối chiếu số liệu giải ngân vốn đầu tư công chi tiết theo từng dự án đến hết ngày 30/9/2021 để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, ngành, địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021, để điều chuyển cho các đơn vị thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, KBNN đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành gửi hồ sơ thanh toán đến KBNN nơi giao dịch làm cơ sở để kiểm soát, thanh toán.

Với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, KBNN lưu ý ngoài việc kiểm soát các khoản chi tiêu đảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vay ưu đãi đã ký kết, đúng tỷ lệ cơ cấu vốn bố trí cho dự án, KBNN các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm soát đối với các khoản nộp thuế (theo Công văn số 2510/KBNN- KSC ngày 25/5/2021 của KBNN).

Đặc biệt, đối với dự án vốn nước ngoài có 2 phương thức thực hiện. Một là, giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước (thực hiện rút dự toán từ KBNN như vốn trong nước). Hai là, thực hiện theo phương thức ghi thu ghi chi. Vì vậy, KBNN đã đề nghị KBNN cấp tỉnh quán triệt đến công chức làm công tác kiểm soát chi phải nắm chắc phương thức thực hiện của dự án được giao quản lý để kiểm soát chi theo đúng quy định từ dự toán được phân bổ trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và thực hiện đúng các loại báo cáo theo chế độ quy định. Trường hợp dự toán phân hổ trên Tabmis không đúng cơ chế thực hiện của dự án, cần kịp thời phản ánh cho chủ đầu tư, cơ quan tài chính và KBNN (đối với dự án bộ, ngành quản lý) để kịp thời nắm bắt và xử lý.

Về thu hồi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, KBNN cấp tỉnh cần thực hiện nghiêm chế độ tạm ứng và thu hồi tạm ứng; quyết liệt, chủ động đôn đốc chủ đầu tư, ban quản lý dự án thu hồi tạm ứng (kể cả bằng văn bản) đảm bảo theo đúng trách nhiệm và quy định hiện hành; giảm đến mức tối đa số dư tạm ứng tại KBNN, không để số dư tạm ứng lớn, kéo dài không đúng quy định.

Tập trung kiểm soát thanh toán các khoản chi mới được quy định

Ngày 21/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ- CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Kho bạc nhà nước yêu cầu các kho bạc nhà nước cấp tỉnh thực hiện kiểm soát thanh toán các khoản chi này theo đúng quy định, trong đó lưu ý quy định về điều khoản chuyển tiếp tại điều 40 của nghị định này để đảm bảo việc kiểm soát, thanh toán được đảm bảo.

Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong đó có quy định cụ thể về hồ sơ rút dự toán và kiểm soát thanh toán các khoản chi cấp bù tiền miễn, giảm học phí… Để kiểm soát, thanh toán các khoản chi phí này, kho bạc nhà nước đề nghị kho bạc nhà nước cấp tỉnh tập trung thực hiện kiểm soát, thanh toán đảm bảo theo đúng quy định.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam