Cử tri kiến nghị rút kinh nghiệm sâu sắc về một số vấn đề trong phòng, chống dịch

15:43 | 11/10/2021 Print
Cử tri và nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, tập thể, cá nhân phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, bị động,… để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác với các biến thể mới của Covid-19.

Sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo: tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội năm 2021.

Nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc

Trình bày dự thảo Báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân theo dõi sát và rất vui mừng về thành công của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, Trung ương đã đưa ra các quyết sách quan trọng tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quyết sách về phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng trước những tác động tiêu cực của đại dịch sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Báo cáo của cử tri, nhân dân
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc chúng ta cơ bản kiểm soát được đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, đây là kết quả rất đáng trân trọng, nhiều quyết sách có tính lịch sử thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động,… để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống xấu hơn có thể xảy ra, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với các biến thể mới của Covid-19.

Về các chính sách xã hội và an sinh xã hội, cử tri và nhân dân phản ánh còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà; quy định đối tượng hỗ trợ chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn chưa được đưa vào diện hỗ trợ; vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, gây bức xúc. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một bộ phận người dân phát sinh tâm lý e ngại, không dám đến bệnh viện khám, chữa bệnh; vấn đề về sức khỏe tâm thần do giãn cách xã hội trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Cử tri và nhân dân cũng lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các bệnh về mắt của các cháu.

Phản ánh đầy đủ nguyện vọng, tâm tư của cử tri

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, MTTQVN đã đề xuất một số kiến nghị. Trong đó có việc giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vắc-xin (chú ý vắc-xin tiêm cho người dưới 18 tuổi); tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19 tích hợp vào căn cước công dân; quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, tâm lý xã hội, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế. Nghiên cứu đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào danh mục hàng hóa bình ổn giá.

MTTQVN cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương khẩn trương thể chế hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về phục hồi, phát triển kinh tế khi đã kiểm soát được dịch bệnh; sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng; có chính sách hỗ trợ đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường; tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, đảm bảo cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển.

Góp ý về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các báo cáo trình ra tại Quốc hội trong Kỳ họp tới sẽ được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm và đặc biệt theo dõi. Bởi vậy, khi hoàn thiện báo cáo, đề nghị nghiên cứu, thận trọng cân đối những nội dung cử tri đánh giá tích cực và những nội dung cử tri bày tỏ lo lắng sao cho hài hòa, khách quan nhưng cũng phải khơi được niềm tin trong nhân dân.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thì cho rằng, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, tâm trạng của nhân dân có nhiều thay đổi, một số việc trong phòng chống dịch gây tâm trạng bất an trong một bộ phận nhân dân. Do đó báo cáo cần phản ánh được tâm trạng của người dân một cách thực tế hơn. Nhắc lại một số vụ việc như “bánh mỳ không phải thực phẩm thiết yếu”, các vụ chống đối người thi hành công vụ, hay đợt di dân lớn từ các tỉnh phía Nam... Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, những việc này cần được xem xét trong báo cáo để nhân dân thấy được tâm trạng, nguyện vọng của mình được phản ánh đầy đủ.

Số lượt người khiếu nại, tố cáo giảm 50%

Báo cáo về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong kỳ báo cáo các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tiếp 4.331 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 3.350 vụ việc và có 189 đoàn đông người (giảm 50% số lượt người, 35% số vụ việc và 24% đoàn đông so với cùng kỳ năm trước). Đồng thời, đã tiếp nhận 33.061 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (giảm 13,83% so với cùng kỳ); trong đó có 18.118 đơn thuộc lĩnh vực hành chính, 14.943 đơn thuộc lĩnh vực tư pháp; 22.770 đơn không đủ điều kiện xử lý. Trong số 10.291 đơn đủ điều kiện xử lý, qua nghiên cứu đã chuyển 4.616 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam