Cơ cấu lại nền kinh tế: Phấn đấu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025

07:59 | 13/10/2021 Print
Chiều 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Tại kế hoạch này, Chính phủ đã nêu chi tiết các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn tới.

Quản lý đầu tư công tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế

Trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, mục tiêu, chỉ tiêu chung bao gồm: tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, nâng cao đóng góp của ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%.

Về ngân sách, chỉ tiêu bội chi cả giai đoạn 2021-2025 được xác định bình quân khoảng 3,7% GDP. Đến năm 2025, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hằng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo nợ công khoảng 55% GDP và trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo nợ Chính phủ khoảng 45% GDP. Đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống các tổ chức tín dụng, kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP.

Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế. Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II.

1,5 triệu doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Trong mục tiêu phát triển mạnh các loại thị trường, chỉ tiêu được xác định là đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP. Đến năm 2025, chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tăng 10-15 bậc đến năm 2025 so với năm 2019.

Về phát triển doanh nghiệp, kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Đáng chú ý, kế hoạch đặt chỉ tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Mục tiêu thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng được đặt cho giai đoạn 5 năm này.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, điểm mới của Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn này là nhấn mạnh về kinh tế số, kinh tế đô thị, phát huy được giá trị văn hóa, con người, ý chí tự lực tự cường của dân tộc. Điểm đột phá là tập trung về thể chế, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…

Đánh giá về Kế hoạch này, một trong những đề nghị của Ủy ban Kinh tế là cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch Covid-19 dẫn tới khó khả thi như mục tiêu về số lượng doanh nghiệp và nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp; bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công.

Tìm giải pháp huy động nguồn lực lớn trong dân

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm vừa qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện. Trong đó, đặc biệt là cơ cấu lại nợ xấu, nợ công đã kết quả nổi bật, tín nhiệm quốc gia tăng. Nếu không có sự cố môi trường Formosa, tình trạng hạn hán, đại dịch Covid-19 ở cuối nhiệm kỳ thì kết quả sẽ còn tốt hơn nhiều.

Tuy nhiên, từ thực tế giai đoạn vừa qua cũng đặt ra nhiều vấn đề cần chú ý. Đó là thị trường vốn năng lực còn hạn chế. Không chỉ nói đến khả năng trả nợ, khả năng huy động vốn cũng đang là thách thức. Ngay cả khả năng hấp thụ vốn cũng có trở ngại, bằng chứng là “có tiền mà không tiêu được”, Chủ tịch Quốc hội cho hay. Điều này thể hiện ở tình giải ngân đầu tư công chậm, việc thu hút vốn tư nhân ở các dự án PPP cũng rất khó khăn.

Vì thế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần nghiên cứu giải pháp cải thiện thể chế, luật pháp, ưu đãi... để mở rộng năng lực thị trường vốn, huy động nguồn lực trong dân. Trong đó, đơn cử như giải pháp phát hành thêm công trái, một hình thức huy động “bán lẻ” trong dân, thay vì thông qua "kênh bán buôn” của các tổ chức tín dụng.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng đây là “vấn đề lớn, trăn trở”. Chủ trương của Đảng, Nhà nước rất rõ nhưng triển khai thực tế còn hạn chế. Vì thế, cần làm sao khơi thông được điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực và huy động vốn trong dân đang còn rất lớn, bên cạnh sử dụng vốn đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài hay của doanh nghiệp nhà nước./.

Về mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình là “rất khó”. Giai đoạn 5 năm trước chúng ta đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, tuy nhiên đến nay mới đạt 812.000 doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách, khơi thông các điểm nghẽn để huy động nguồn lực lớn trong dân, bởi nguồn vốn tư nhân lớn còn chưa được phát huy.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam