Vì sao lao động thất nghiệp lười học nghề?

07:54 | 14/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Nhiều người vẫn nghĩ khi thất nghiệp, lao động sẽ có nhu cầu học nghề để tìm kiếm việc làm mới, nhưng thực tế không phải vậy. Vậy lý do gì khiến cho lao động thất nghiệp quay lưng lại với học nghề?

Lý do không muốn học nghề

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Cầu Giấy, Hà Nội) từng làm nhân viên cho công ty du lịch lữ hành. Sau 5 năm gắn bó, công việc cho chị mức thu nhập khá, hơn 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng kể từ ngày xảy ra dịch Covid-19 chị mất việc làm. Tháng 8 vừa qua chị đi làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Nhưng khi được tư vấn giới thiệu học nghề, chị từ chối với lý do cuộc sống khó khăn, không có thêm tiền đóng học phí dù đã được hỗ trợ kinh phí một phần.

Vì sao lao động thất nghiệp lười học nghề?
Tư vấn học nghề tạo cơ hội việc làm mới.

Chị Tuyết nói: "Thất nghiệp 5 tháng, số tiền tiết kiệm của tôi cũng cạn kiệt. Tôi còn nuôi 2 con nhỏ nên không thể đi học nghề. Giờ tôi chỉ muốn xin việc đi làm luôn để có thu nhập trang trải cuộc sống".

Chị cho biết, ban đầu cũng nghĩ đi học làm tóc, nhưng chi phí cho 1 khóa đào tạo quá lớn tầm 15 - 20 triệu đồng/khóa, học 6 tháng. Không chỉ kinh phí, thời gian cũng là trở ngại khiến chị không muốn học nghề.

Cùng chung suy nghĩ, anh Phan Hồng Quang ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết, dù được hỗ trợ học nghề nhưng vẫn không đủ quyết tâm học. Lý do chính là bởi lo ngại học xong anh vẫn không thể tìm kiếm được việc làm tốt hơn.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội năm 2020, chỉ có 3% người sau thất nghiệp nhận hỗ trợ đào tạo nghề. Con số này ở các trung tâm khác trong cả nước cũng không cao hơn bao nhiêu, chỉ dao động từ 3 - 5% tổng số người thất nghiệp được hưởng TCTN.

1,6 triệu lao động thất nghiệp

"Lần đầu tiên, tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm qua, riêng quý III/2021 đã có 1,6 triệu lao động thất nghiệp, nhưng số lao động có nhu cầu học nghề vẫn rất thấp"- ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: "Con số 3% là tương đối thấp. Bên cạnh việc ảnh hưởng do dịch Covid-19, một nguyên nhân nữa là chính sách học nghề cho lao động thất nghiệp chưa thu hút, mới chỉ dừng ở hình thức đào tạo sơ cấp nghề, hỗ trợ 1 triệu/tháng tối đa 6 tháng thì cũng không có những ngành nghề chất lượng cao, mang tính thu hút lớn".

Câu chuyện lao động thất nghiệp “quay lưng” lại với chính sách hỗ trợ học nghề cũng xảy ra nhiều nơi. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho thấy từ đầu năm đến nay, có 11.892 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Tổng tiền chi trả TCTN 242,1 tỷ đồng; mức hưởng bình quân 3.474.880 đồng/người/tháng; số tháng hưởng bình quân của người lao động 5,18 triệu tháng/người. Thế nhưng con số lao động thất nghiệp đề nghị học nghề lại rất ít.

Ông Nguyễn Đức Trí - Giám đốc Trung Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi năm (3 năm gần đây) trung tâm giới thiệu việc làm cho trên 10 nghìn lao động; giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho 20.000 lao động, nhưng chỉ dạy nghề gần 1.000 lao động (chiếm tỷ lệ 5%) trong số này.

Các nghề học chưa đa dạng, không hấp dẫn

Là một trong những đơn vị liên kết, phục vụ đào tạo cho lao động thất nghiệp tại Hà Nội, nhưng Trường Trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội tiếp nhận khá ít lao động học nghề. Mặc dù có tới 30 ngành nghề, nhưng khi được tư vấn, anh Nguyễn Văn Tiến (32 tuổi) ở Gia Lâm, Hà Nội quyết định theo học nghề lái xe. Lý do là bởi nghề này thiết thực, học xong anh có thể xin đi làm luôn, hoặc thuê xe tự chạy taxi. Mặt khác, số tiền học phí đóng thêm cũng ở mức thấp nhất vì anh được hỗ trợ 50% học phí, số tiền còn lại anh phải đóng chỉ 3 triệu đồng.

Mặc dù có khá nhiều ngành nghề được cho là "hot" thu hút người học như: làm đẹp; thẩm mỹ; điện tử; điện lạnh... nhưng kinh phí học tập lớn, thời gian hỗ trợ ngắn nên lao động không hào hứng.

Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, đầu tháng 4/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg sửa đổi một số điều trong chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề. Theo đó, người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng thì mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng. Như vậy, mức hỗ trợ này đã tăng so với mức hỗ trợ trước đó là 500 nghìn đồng/người/tháng. Mặc dù đã có điều chỉnh, nhưng thời gian hỗ trợ vẫn còn ngắn, lao động chỉ có thể học các nghề sơ cấp.

Ông Tú cũng cho rằng, bên cạnh việc nâng mức hỗ trợ học nghề, cần đồng thời triển khai các giải pháp: xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động sau thất nghiệp. Có như vậy mới thu hút được lao động tham gia học nghề.

Ông Trần Tuấn Tú cho biết, hiện tại Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng đồng ý cho dùng 4.500 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, đào tạo lại cho lao động. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đang khẩn trương làm việc với các bên để triển khai thực hiện nội dung này.

Đề xuất thí điểm đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS
đối với 10 ngành nghề

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”.

Mục tiêu cụ thể của đề án nhằm tổ chức triển khai thí điểm mô hình đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đối với 10 ngành, nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ. Cụ thể, có khoảng 400 học sinh/ngành nghề, với tổng số người tham gia khoảng 4.000 người. 10 ngành, nghề phù hợp với đối tượng người học tốt nghiệp THCS, đó là: công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, vẽ và thiết kế trên máy tính, hướng dẫn viên du lịch và diễn viên múa. Cấu trúc của mô hình gồm ba giai đoạn, cụ thể:

Giai đoạn 1 có thời gian đào tạo 2 năm, với các nội dung đào tạo chính: bao gồm phần khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) theo yêu cầu của chương trình và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ sơ cấp.

Nội dung kiến thức văn hóa THPT được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là các môn học thuộc khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp là những kiến thức, kỹ năng căn bản của ngành, nghề mà người học theo học.

Giai đoạn 2 có thời gian đào tạo 1 năm. Nội dung đào tạo chính có khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo yêu cầu của chương trình và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ trung cấp.

Nội dung kiến thức văn hóa THPT là toàn bộ khối lượng kiến thức văn hóa THPT được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết thúc giai đoạn này, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Giai đoạn 3 có thời gian đào tạo 2 năm. Nội dung đào tạo chính là toàn bộ kiến thức, kỹ năng ở trình độ cao đẳng và nội dung kiến thức văn hóa THPT được bổ sung để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Kết thúc giai đoạn 3, nếu đáp ứng yêu cầu, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT (chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT) và được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và được xét tốt nghiệp và cấp bằng cao đẳng.

Điều kiện tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THCS có xếp loại học lực từ trung bình khá trở lên. Đối tượng tuyển sinh được tư vấn kỹ lưỡng trước khi nhập học. Người học được miễn học phí khi tham gia theo mô hình này.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam