Giá than tại Trung Quốc cao kỷ lục

16:55 | 13/10/2021 Print
(TBTCO) - Giá than tại Trung Quốc đã tăng kỷ lục do nhu cầu cao về sản xuất, tiêu dùng cũng như thiếu hụt nguồn cung. Điều này có thể làm giảm 1% tăng trưởng của nước này trong quý 3/2021.

Nguồn cung sụt giảm mạnh

Giá than đá để sản xuất điện tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục khi tăng tới 64% từ 104 USD/tấn vào tháng 1/2021 lên 170 USD/tấn hiện nay. Giá than nhập khẩu của nước này cũng tăng mạnh, trong vòng một năm qua, giá nhập khẩu than của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi. Chỉ riêng thời gian gần đây, giá than đã tăng 40% từ khoảng 121 USD/tấn vào giữa tháng 8 lên khoảng 170 USD/tấn trong những tuần cuối tháng 9.

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tăng giá kỷ lục trên là do thiếu hụt nguồn cung từ cả sản xuất trong nước và nhập khẩu. Hiện Trung Quốc với sản lượng khai thác khoảng 3,9 tỷ tấn/năm có thể đáp ứng được 92% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước bị sụt giảm mạnh khi vào đầu tháng 9/2021, một số tỉnh như Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc đã phải đóng cửa một số mỏ than do liên quan đến tai nạn lao động. Trong đó, tỉnh Sơn Tây đã phải đóng cửa tới 23 mỏ than, chiếm 25% công suất khai thác than của tỉnh này.

Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu than của Trung Quốc bắt đầu gặp khó khăn khi vào tháng 10/2020 nước này quyết định ngừng nhập than đá của Australia để gây sức ép đối với chính sách đối ngoại mà nước này theo đuổi. Lượng than nhập khẩu từ Australia vào Trung Quốc đã sụt giảm tới 28% vào tháng 11/2020, và giảm đến 98,6% vào tháng 9/2021.

Để bù đắp lại, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu than từ Mông Cổ. Nhưng xét về sản lượng, than từ Mông Cổ và Nga khó có thể thay thế được than từ Úc do quy mô xuất khẩu quá thấp. Đặc biệt, việc nhập khẩu từ Mông Cổ càng trở nên tồi tệ khi hoạt động này gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Mông Cổ.

Giá than tại Trung Quốc cao kỷ lục
Giá than tại Trung Quốc tăng do thiếu hụt nguồn cung. Ảnh: TL

Hôm 21/8/2021, hải quan Ganqimaodu tại khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) cho biết đã đình chỉ nhập khẩu than từ Mông Cổ trong vòng hai tuần để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, khối lượng than nhập khẩu là khoảng 300 triệu tấn, chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng than tiêu thụ của nước này.

Hiện nay, sản xuất điện của Trung Quốc vẫn chủ yếu đến từ nguồn nhiệt điện, với tỷ trọng 70% sản lượng sản xuất và 56,8% sản lượng tiêu thụ trong năm 2020. Nhu cầu điện cho sản xuất và giá than nhập khẩu có xu hướng tăng cao sẽ khiến giá than tại nước này được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Hãng nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie (Anh) dự báo nhu cầu sử dụng điện than của nước này trong năm 2022 sẽ tăng 1% so với năm nay. Trong khi Goldman Sachs (Mỹ) dự báo giá than tại cảng Newcastle (cảng xuất khẩu than lớn nhất tại Australia, giá than tại cảng này được coi là giá tham chiếu quan trọng) có thể đạt trung bình 190 USD/tấn trong 3 tháng cuối năm nay.

Dự kiến giảm tăng trưởng 1% trong quý 3/2021

Giá than tăng do nhu cầu sản xuất điện để phục hồi kinh tế của Trung Quốc, tuy nhiên việc giá than tăng quá mức lại tác động tiêu cực trở lại nền kinh tế. Vì lý do thiếu điện, khoảng 20 tỉnh của Trung Quốc, chiếm 2/3 GDP của nước này đã thực hiện cắt điện luân phiên, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sự ổn định của chuỗi cung ứng tại quốc gia này và làm gia tăng chi phí cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Giá sản xuất công nghiệp (PPI) đã tăng 9,5% vào tháng 8/2021. Giá các sản phẩm khai khoáng đã tăng tới 41,8%, nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp tăng 18,3% và giá gia công chế biến chỉ tăng 8%.

Việc cắt giảm điện đột ngột cũng tác động trực tiếp lên nền kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố cho thấy, hoạt động sản xuất chế tạo của nước này trong tháng 9 đã bật ngờ sụt giảm, trái ngược với dự báo của giới quan sát.

Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) - chỉ số đo lường “sức khoẻ” kinh tế của ngành sản xuất - trong tháng 9/2021 của nước này chỉ đạt 49,6 điểm, giảm 0,5 điểm so với tháng 8 và thấp hơn 0,4 điểm so với kỳ vọng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc giảm dưới ngưỡng 50 điểm, dấu hiệu cho thấy các hoạt động công nghiệp đã bị thu hẹp trong thời gian vừa qua.

Việc thiếu điện gây tác động đến hầu hết các ngành kinh tế, bao gồm hai lĩnh vực chủ chốt là xây dựng và sản xuất. Theo NBS, hai ngành này chiếm gần 70% tiêu thụ điện của Trung Quốc trong năm 2020 và giữ vai trò trụ cột đối với sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021.

Không chỉ làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, thiếu điện còn có thể đặt ra những trở ngại mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Goldman Sachs, khoảng 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện. Điều đó có thể kéo giảm 1% tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III, và 2% trong quý IV. Ngày 28/9/2021, công ty này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 từ 8,2% xuống còn 7,8%./.

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam