Chính phủ thông qua dự thảo báo cáo về kết quả xử lý nợ xấu

21:06 | 13/10/2021 Print
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 129/NQ-CP về việc thông qua dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/20217/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Còn vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm khoản nợ xấu là bất động sản Tổng nợ xấu, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu chiếm 4,71% dư nợ VNBA kêu gọi các ngân hàng góp ý xây dựng Luật xử lý nợ xấu

Ngoài việc thông qua dự thảo Báo cáo thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, Nghị quyết 129 cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ; chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu báo cáo.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 42, trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các giải pháp nêu tại nghị quyết đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Chính phủ thông qua dự thảo báo cáo về kết quả xử lý nợ xấu
Chính phủ thông qua dự thảo báo cáo về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Ảnh: T.L

Các quy định tại Nghị quyết số 42 đã được các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi là VAMC) áp dụng có hiệu quả trên thực tế, tổ chức tín dụng đã tích cực hơn trong công tác xử lý nợ xấu, ý thức trả nợ của khách hàng tăng cao, các hình thức xử lý nợ xấu được sử dụng đa dạng.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/5/2021 là 425,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/5/2021, đã xử lý được 353,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Tổng số nợ xấu xác định theo nghị quyết được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2021 đạt trung bình khoảng 6,06 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,54 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017.

Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo và khách hàng trả nợ còn chưa cao.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực từ 15/8/2017 đến 31/5/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 130,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 39,28% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%./.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam