Đề xuất nới lỏng điều kiện vay vốn hỗ trợ trả lương

13:37 | 14/10/2021 Print
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa chia sẻ thông tin cho biết đang đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg theo hướng nới lỏng điều kiện cho người vay vốn hơn.
Đã giải ngân 382 tỷ đồng hỗ trợ trả lương do ảnh hưởng Covid-19 Duyệt cho vay hơn 170 tỷ đồng trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất Tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng cho vay trả lương do ảnh hưởng Covid-19

Theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc do ảnh hưởng của Covid-19 và vay phục hồi sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay .

Đề xuất nới lỏng điều kiện vay vốn hỗ trợ trả lương
Đề xuất nới lỏng điều kiện vay vốn hỗ trợ trả lương ngừng việc do ảnh hưởng Covid-19 và phục hồi sản xuất. Ảnh:T.L

Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động

Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ban hành ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đến cuối tháng 9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn trả lương 130.741 lượt người lao động.

Theo quy định tại Quyết định 23, người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi đáp ứng đủ một số điều kiện, trong đó có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên.

Một điều kiện nữa là không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh do phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Một số điều kiện khác là người sử dụng lao động phải có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn…

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc đề xuất giảm bớt một số điều kiện vay vốn sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dễ tiếp cận gói vay hơn./.

Mức cho vay, thời hạn cho vay, thời hạn giải ngân theo quy định tại Quyết định 23

1. Vay vốn trả lương ngừng việc: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

2. Vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 03 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

3. Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động đối với các tháng 5, 6, 7 năm 2021 được thực hiện 01 lần; thời hạn giải ngân đến hết ngày 5/4/2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam