Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp trong đại dịch

19:33 | 14/10/2021 Print
(TBTCO) - Trong 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 100.200 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, thu nộp ngân sách hơn 7.500 tỷ đồng và khởi tố 1.615 đối tượng vi phạm.

Sáng 14/10, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã tổ chức Hội nghị giao ban quý III và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Phát hiện và xử lý hơn 100.200 vụ vi phạm

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, trong 9 tháng qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế trong nước.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thông báo, ông Lê Thanh Hải được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia thay người tiền nhiệm trước đó là ông Đàm Thanh Thế.

Cụ thể, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 100.290 vụ vi phạm. Trong đó nổi lên một số hoạt động sản xuất, buôn bán thiết bị y tế phòng dịch không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ và buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm qua biên giới.

Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh về vụ sản xuất 2,7 triệu tấn xăng, dầu giả được Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý hồi tháng 2/2021.

Trình bày báo cáo về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Lê Thanh Hải - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, từ đầu năm đến nay, các đối tượng, tổ chức buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng... với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và gia tăng trên môi trường kinh doanh thương mại điện tử.

Đáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch bệnh, các mặt hàng chủ yếu được buôn lậu chủ yếu liên quan đến phòng chống dịch là khẩu trang, thuốc điều trị Covid -19, máy tạo oxy, que test Covid -19...

Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp trong đại dịch
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu... Ảnh: VGP

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đánh giá, tình hình buôn lậu trên các tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, tuyến hàng không và bưu chính quốc tế đều diễn ra phức tạp. Trong đó, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép thuốc lá, kim loại vàng, ma túy qua biên giới Tây Nam vẫn xảy ra nhiều...

Bên cạnh đó, tại thị trường nội địa, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra phổ biến. Đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh online qua các sàn thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng qua hệ thống các doanh nghiệp bưu chính tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao. Các đối tượng lợi dụng để vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả... gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Tập trung kiểm soát, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng buôn lậu, gian lận vẫn phức tạp, nhất là một số vụ việc lớn, ông Lê Thanh Hải cho rằng do các lực lượng vừa làm nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. "Còn một số địa phương chưa chỉ đạo sát các lực lượng làm tốt công tác quản lý địa bàn, một số vụ việc chưa bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ bắt được hàng hóa và đối tượng vận chuyển", ông Lê Thanh Hải cho biết,

Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đánh giá, qua xử lý nhiều vụ việc, các lực lượng chức năng đã phát hiện một số cán bộ, công chức, sĩ quan có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, gây bức xúc trong dư luận.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong thời gian tới, khi chúng ta từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa nền kinh tế, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả sẽ vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những tháng cuối năm là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.

Do đó, kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo, từ nay đến cuối năm phải có nghiệp vụ ngăn chặn không làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. "Các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ, có giải pháp để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những vụ việc gian lận, buôn lậu, hàng giả. Đặc biệt, cần tập trung kiểm soát, kiểm tra hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử...", Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, sĩ quan có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, trên biển, nhất là đường mòn, lối mở nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý những hành vi buôn lậu, hàng giả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống như xăng dầu khi giá có xu hướng tăng cao; hay trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.../.

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam