Bộ Y tế: Không chỉ định xét nghiệm Covid-19 đối với việc đi lại của người dân

17:52 | 14/10/2021 Print
(TBTCO) - Theo hướng dẫn mới ban hành của Bộ Y tế, không chỉ định xét nghiệm Covid-19 đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, việc xét nghiệm Covid-19 được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Theo đó, xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…

Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…; đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người…) như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.

Hướng dẫn nêu rõ, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch, tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.

Thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.

Về cách ly y tế, người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1) sẽ thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Bộ Y tế: Không chỉ định xét nghiệm Covid-19 đối với việc đi lại của người dân
Theo Bộ Y tế, việc xét nghiệm Covid-19 được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Ảnh minh họa: Văn Nam.

Cũng theo hướng dẫn, có 3 tiêu chí đánh giá mức độ dịch như sau: Tiêu chí thứ nhất là tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; thứ hai là tỷ lệ dân số từ 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vắc-xin; thứ ba là khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.

Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4 .

Các quận, huyện, thị xã, thành phố (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) để đáp ứng khi có dịch xảy ra.

Bộ Y tế nêu rõ trường hợp không đạt được Tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch. Phải tăng lên 1 cấp độ dịch nếu không đạt được yêu cầu về tỷ lệ tiêm vắc-xin của người cao tuổi (trừ khi địa bàn đang có dịch ở cấp độ 4 hoặc không có ca mắc).

Đồng thời, Bộ Y tế cũng nêu rõ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn về diễn biến dịch, độ bao phủ vắc-xin, điều kiện thực tế (mật độ dân cư, điều kiện kinh tế xã hội...), khả năng ứng phó có thể điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, đảm bảo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chuẩn bị các nội dung, cụ thể: Xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn; tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc Covid-19; xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19, đặc biệt kế hoạch bảo đảm đáp ứng về giường ICU.

Cập nhật số liệu và quản lý phần mềm báo cáo các cơ sở thu dung, điều trị F0; có kế hoạch bảo đảm khi có dịch xảy ra: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà; tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị Covid-19.

Đồng thời bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh./.

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam