Việt Nam - Nhật Bản ký bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng cácbon thấp

20:59 | 14/10/2021 Print
(TBTCO) - Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các -bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực trong thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đẩy lùi khủng hoảng khí hậu.

Chiều 14/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio thay mặt Chính phủ Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa hai Chính phủ cho giai đoạn 2021 - 2030.

Việt Nam - Nhật Bản ký bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng cácbon thấp
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp.

Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản được ký kết lần đầu vào tháng 7 năm 2013 và ký gia hạn vào tháng 6 năm 2017 với thời hạn đến hết năm 2020 để triển khai thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát thải các-bon thấp tại Việt Nam trên cơ sở hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Chính phủ Nhật Bản.

Các doanh nghiệp tham gia dự án theo Cơ chế JCM hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ một phần kinh phí thực hiện. Tín chỉ các-bon thu được từ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các dự án được chia sẻ giữa Việt Nam và Nhật Bản theo thỏa thuận thống nhất giữa các doanh nghiệp tham gia và được Ủy ban hỗn hợp 2 nước quyết định, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công bằng và có trách nhiệm chung.

Qua 8 năm thực hiện Cơ chế JCM, đã có 15 phương pháp luận, 14 dự án được đăng ký, có 4.415 tín chỉ các-bon được cấp cho các dự án tương đương với 4.415 tấn CO2 được cắt giảm. Kinh phí hỗ trợ nhận được từ phía Nhật Bản cho Cơ chế JCM ước tính khoảng 35 triệu đô la Mỹ, chiếm gần 40% tổng kinh phí các dự án.

Cơ chế JCM đã mở ra một kênh đầu tư mới cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Ngoài cơ hội tiếp cận, áp dụng những công nghệ, sản phẩm, dịch vụ các-bon thấp tiên tiến của phía Nhật, doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia dự án JCM sẽ được hỗ trợ tăng cường năng lực thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Việc triển khai Cơ chế này cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương tích lũy thêm kinh nghiệm xây dựng, quản lý thực hiện các dự án tạo tín chỉ các-bon theo yêu cầu quốc tế; qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu bắt buộc đã cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam