Hiệp hội Mía đường Việt Nam:

Doanh nghiệp nên tăng giá thu mua mía cho nông dân

17:16 | 16/10/2021 Print
(TBTCO) - Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) khuyến cáo doanh nghiệp tăng giá thu mua mía cho nông dân, giúp tăng năng suất, chất lượng và sản lượng mía đường.

VSSA cho hay, theo báo cáo của các nhà máy đường về vụ ép 2020/2021, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 6.739.417 tấn mía. Trong khi đó, dự kiến đầu vụ là 7.498.060 tấn của các nhà máy đường.

Đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999/2000), dẫn đến số lượng nhà máy hoạt động thấp nhất, chỉ còn 25 nhà máy hoạt động trong vụ 2019/2021.

Doanh nghiệp nên tăng giá thu mua mía cho nông dân
Nên tăng giá thu mua mía để người nông dân "mặn mà". Ảnh: TL

Theo VSSA, nguyên nhân sụt giảm là do một số vùng mía tiếp tục bị hạn hán, bão lụt gây hại, làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía; giá đường các vụ trước đó xuống thấp do tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại.

Mặc dù đến đầu năm 2021, khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT các nhà máy đường đã ngay lập tức nâng giá mua mía từ mức 800.000 - 850.000 đồng/tấn lên mức từ 900.000 - 1.100.000 đồng/tấn tùy theo vùng, song không thể ngay lập tức tăng nhanh diện tăng diện mía vụ 2021/22.

Hơn thế nữa, nông dân không mặn mà với cây mía, bỏ mía không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước.

Do đó, VSSA đã ban hành công văn khuyến cáo các hội viên sản xuất của hiệp hội tùy vào hoàn cảnh thực tế các địa phương cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía để điều chỉnh tăng giá cho vụ mới sắp đến. Việc tăng giá phải đảm bảo người dân bù đắp đủ chi phí, có thu nhập đủ sống với cây mía, từ đó yên tâm phát triển cây mía phục hồi vùng nguyên liệu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống chia sẻ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường, giữa nông dân và nhà máy đường, theo một tỷ lệ nhất định, theo đúng mức đóng góp của các bên và đảm bảo được vị thế bình đẳng của nông dân và nhà máy đường trong mối liên kết./.

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam