Dốc toàn lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách

08:38 | 17/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Mặc dù thu ngân sách nhà nước đến thời điểm này cơ bản đảm bảo tiến độ thu dự toán năm. Tuy nhiên, những tháng gần đây, do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh nên một số nguồn thu đã sụt giảm. Còn chưa đầy một quý nữa là kết thúc năm, do đó toàn ngành Tài chính tiếp tục dốc toàn lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, bên cạnh việc hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Lo ngại ảnh hưởng nguồn thu ngân sách sang năm 2022

Về cơ bản đến thời điểm này, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo tiến độ dự toán. Thu nội địa 9 tháng đạt 81,2%. Thu thuế xuất nhập khẩu tính đến hết tháng 9 đạt 88,3% dự toán. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, một số nguồn thu sụt giảm so với tháng trước đó. Thu nội địa tại nhiều địa phương trọng điểm thu giảm, nhiều tỉnh có số thu thấp trong những tháng gần đây.

Những khó khăn, thách thức trong thu ngân sách ngày càng biểu hiện rõ trong năm nay. Dịch bệnh bắt đầu từ năm 2020, vào cuối năm nay, ngành Tài chính cũng hết sức căng thẳng trong điều hành. Những ngày cuối năm, lãnh đạo Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương để rà soát, đôn đốc thu ngân sách. Nhưng năm nay tình hình căng thẳng hơn khi 23 địa phương trọng điểm thu phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian khá dài, người dân, doanh nghiệp khó khăn. Việc thực hiện nhiều chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí khiến nguồn thu ngân sách liên tục sụt giảm.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Còn nhớ vào năm 2020, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế không đạt dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại các địa phương diễn biến tình hình thu ngân sách giảm dần qua các quý từ đầu năm, nhất là những tháng dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên đã có sự hồi phục từ quý III/2020. Do đó, đến hết năm 2020, thu nội địa đã đạt dự toán.

Kết quả này có nguyên nhân do dịch bệnh được kiểm soát tốt, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người dân phát huy tác dụng. Bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan thuế đã tổ chức theo dõi, quản lý số thuế, tiền thuê đất được gia hạn để đôn đốc các doanh nghiệp nộp đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách. Đặc biệt, cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ đọng, trong đó đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo phương pháp rủi ro. Những nỗ lực của thu ngân sách ở các địa phương đã đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung về thu NSNN của cả ngành Tài chính trong năm 2020.

Nhưng diễn biến dịch bệnh trong năm nay phức tạp hơn nhiều. Những tháng qua, về cơ bản thu NSNN vẫn đảm bảo tiến độ dự toán cũng có nguyên nhân từ tăng trưởng những tháng cuối năm 2020 và chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát huy tác dụng. Như vậy có nghĩa là độ trễ của chính sách, những khó khăn của các tháng quý III/2021 sẽ ảnh hưởng đến tốc độ thu cuối năm và sang năm 2022.

Đây là các yếu tố khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại và kiến nghị cơ quan điều hành chính sách tài chính không thể chủ quan từ nay đến cuối năm. Các địa phương cần phải quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tăng cường thu hồi nợ thuế, chống chuyển giá, trốn thuế.

Vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa triển khai giải pháp thu ngân sách

Không chủ quan trước tình hình, Bộ Tài chính đã chủ động lên các kịch bản điều hành chính sách tài chính ứng phó với đại dịch. Theo Bộ Tài chính, dịch bệnh đã ảnh hưởng làm giảm thu và tăng chi ngân sách cho phòng, chống dịch, do đó, Bộ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để bù đắp hụt thu ngân sách.

Áp lực của ngành Thuế

Dự toán thu ngân sách nhà nước ngành Thuế quản lý trong năm 2021 là 1.167.400 tỷ đồng. Với tiến độ thu hiện nay, trong quý IV/2021, ngành Thuế phải thu 260.400 tỷ đồng, bình quân 3 tháng phải thu 86.800 tỷ đồng/tháng. Đây là con số rất thách thức, bởi vì trung bình 2 tháng gần đây chỉ thu dưới 70 nghìn tỷ đồng/tháng. Đối với ngành Hải quan, cũng gặp phải nhiều thách thức khi nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm trong những tháng gần đây.

Để ứng phó với dịch bệnh, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo Bộ Tài chính, dự kiến tổng giá trị gói hỗ trợ là trên 139 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù kết quả thu NSNN 9 tháng ước đạt 80,75% dự toán, tuy nhiên, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, thu nội địa từ thuế và phí có xu hướng giảm, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu các tháng 8 và 9 cũng giảm mạnh. Trong tháng 9, tình hình kiểm soát dịch Covid-19 đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, dự báo dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động làm giảm thu và tăng chi NSNN cho phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp giao ban triển khai công tác tháng 10 của Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, ngành Thuế luôn đặt mục tiêu thu NSNN vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Dự toán thu NSNN ngành Thuế quản lý trong năm 2021 là 1.167.400 tỷ đồng. Với tiến độ thu hiện nay, trong quý IV/2021, ngành Thuế phải thu 260.400 tỷ đồng, bình quân 3 tháng phải thu 86.800 tỷ đồng/tháng. Đây là con số rất thách thức, bởi vì trung bình 2 tháng gần đây chỉ thu dưới 70 nghìn tỷ đồng/tháng. Đối với ngành Hải quan, cũng gặp phải nhiều thách thức khi nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm trong những tháng gần đây.

Do đó, lãnh đạo ngành Thuế, Hải quan cho biết sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu NSNN bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cũng như động viên các doanh nghiệp nộp thuế đủ số tiền gia hạn thuế khi đến hạn.

Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Đồng thời, các cơ quan thuế tăng cường quản lý thu, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện, để bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối NSNN năm 2021.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam