Đào tạo kỹ năng nhân lực ngành logistics: Nhu cầu cấp thiết

11:20 | 17/10/2021 Print
Logistics được xem là ngành xương sống của toàn nền kinh tế, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực thiếu và yếu. Tăng cường đào tạo và đào tạo kỹ năng nguồn nhân lực cho ngành này cần thiết để tăng cường sức mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phòng công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) cùng với Chương trình Aus4Skills vừa tổ chức Diễn đàn “Dự báo kỹ năng cho lao động ngành logistics Việt Nam”. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác song phương về thúc đẩy chất lượng giáo dục nghề nghiệp với việc thử nghiệm mô hình đào tạo với sự dẫn dắt của doanh nghiệp được triển khai với ngành logistics tại Việt Nam từ năm 2017.

Đào tạo kỹ năng nhân lực ngành logistics: Nhu cầu cấp thiết
Lao động đóng gói hàng hóa vận chuyển tại Công ty Đại Việt. Ảnh: Minh Anh

Nhân lực ngành logistics thiếu hụt nghiêm trọng

Theo “Báo cáo dự báo kỹ năng ngành logistics 2021 – 2023” được công bố tại diễn đàn, nguồn nhân lực logistics tại các doanh nghiệp logistics và sản xuất của Việt Nam luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Cụ thể, các vị trí đang thiếu hụt nhiều nhất là nhân viên kinh doanh logistics, nhân viên công nghệ thông tin logistics và điều phối khai thác vận tải, kho hàng.

Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục những hạn chế này, các doanh nghiệp logistics có thể xem xét một số giải pháp như: luân chuyển nội bộ và đào tạo bổ sung ở nước ngoài; tuyển dụng lao động mùa vụ ngắn hạn và thuê ngoài một số vị trí.

Báo cáo cũng cho thấy, hầu hết doanh nghiệp, lao động đang thiếu hụt các kiến thức và kỹ năng logistics. Trong đó, 5 kiến thức và kỹ năng logistics quan trọng nhất đối với thành công trong công việc của nhân sự logistics theo thứ tự doanh nghiệp logistics – doanh nghiệp sản xuất: ngoại ngữ; công nghệ thông tin; lập kế hoạch phương tiện, thiết bị - lập kế hoạch phương tiện, thiết bị...

Theo PGS. TS. Thái Văn Vinh - Trưởng nhóm nghiên cứu, những kỹ năng thiết yếu của lao động như: thái độ, tuân thủ quy định, chính sách (bảo mật thông tin doanh nghiệp); thích nghi áp lực công việc cao; tích cực trong công việc; tính trung thực; lập kế hoạch công việc và giải quyết vấn đề cũng khá là yếu của lao động trong ngành này.

Báo cáo cho rằng chuỗi cung ứng bền vững; ứng dụng giao dịch điện tử; logistics phân phối đa kênh; sự thay đổi về tương lai việc làm là những xu hướng tác động tới sự phát triển của ngành logistics. Ngoài ra, còn nhóm các tiêu chí như: áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như một số ứng dụng công nghệ khác (kết nối không dây, dữ liệu lớn…).

Từ cơ sở thực tiễn đó, các chuyên gia đề xuất cần tăng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics Việt Nam. "Trong bối cảnh Chính phủ xác định phát triển nguồn nhân lực là một phần trong 5 nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới; cải thiện chất lượng dịch vụ logistics và phát triển cơ sở hạ tầng được coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế"- ông Vinh nhấn mạnh.

Tăng đào tạo kỹ năng nghề cho lao động

Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI-HCM cho biết, dù Việt Nam được biết đến như là quốc gia có chất lượng lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo, bằng cấp chỉ chiếm 21%, kỹ năng nghề xếp 41/96 toàn thế giới.

Điều này đòi hỏi phải đào tạo kỹ năng cho lao động để thích ứng với thế giới việc làm đổi thay. Ngành logistics được xem như là xương sống của toàn nền kinh tế. Tác động dịch bệnh, và biện pháp phòng chống dịch đã tác động nghiêm trọng tới sự phát triển của ngành.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, thời gian qua, nâng tầm kỹ năng và vai trò của hội đồng kỹ năng ngành được nhắc đến như một trong những chiến lược quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam.

"Hơn 1 năm qua chúng ta đã phải đối mặt với khó khăn từ dịch Covid-19. Vấn đề đặt ra những thách thức về duy trì chuỗi cung ứng và duy trì kỹ năng lao động. Logistic là ngành dịch vụ hết sức quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò kết nối các ngành nghề. Vì thế kỹ năng lao động của ngành được xem là giá trị cốt lõi"- ông Dũng khẳng định.

Theo ông Dũng, kỹ năng lao động góp phần nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia. Kỹ năng được xem như loại “tiền tệ” mới. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để xây dựng kỹ năng nghề cho lao động.

Ông Trần Thanh Hải - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định dự báo kỹ năng có vai trò là kim chỉ nam trong việc đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.

Ông Hải cũng cho rằng, với xu thế phát triển của ngành logistics và thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, các dịch vụ logistics mới gia tăng, đòi hỏi cao hơn yêu cầu về nhân lực chất lượng và sáng tạo. Do vậy, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics Việt Nam nói riêng và nguồn nhân lực nói chung.

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng nhân lực logistics của Việt Nam đến năm 2025 là khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, trong số khoảng 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam