Hoạt động mua bán, sáp nhập thời đại dịch: Cơ hội vươn lên cho doanh nghiệp Việt

08:15 | 18/10/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Trong bối cảnh bình thường, hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập) là khâu trung gian tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, nhưng hiện lại là giải pháp lớn mạnh nhanh cho nhiều doanh nghiệp nội. Để phục hồi phát triển sau dịch, doanh nghiệp ngoài việc phải nỗ lực tự thân, tăng cường liên kết hợp tác thì cũng cần nắm bắt cơ hội đến từ lĩnh vực M&A.

Thị phần tăng dần cho doanh nghiệp nội

Đến thời điểm hiện tại, cả thế giới đã trải qua hai năm sống chung cùng Covid-19. Đại dịch xảy đến đầy bất ngờ đã khiến nền kinh tế thế giới chao đảo. Là quốc gia có độ mở rộng và chung nhịp đập với kinh tế thế giới, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là nền kinh tế. Tuy nhiên, giai đoạn bình thường mới đang mở ra, các doanh nghiệp (DN) cũng đang thích ứng với hoạt động kinh doanh sống chung với dịch. Thậm chí không ít DN có hệ sinh thái được xây dựng vững chắc từ trước với tiềm lực tài chính tốt đã tìm ra hướng đi riêng với những cơ hội phát triển, bứt phá. Có thể nói, dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động M&A diễn ra sôi nổi hơn.

Hoạt động mua bán, sáp nhập thời đại dịch: Cơ hội vươn lên cho doanh nghiệp Việt
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh theo hình thức trực tuyến, ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, DN Việt Nam phải coi M&A là biện pháp tự làm cho DN mạnh mẽ hơn. Đây không phải là chuyện đi thu gom tài sản để làm cho lớn lên mà quan trọng hơn là phải tạo ra được cấu trúc liên kết, cho nên M&A là giải pháp quan trọng để DN gia tăng sức mạnh.

Tính chất M&A cũng sẽ chuyển dần từ thù địch sang hợp tác

“Việc xây dựng lại chiến lược, chuyển đổi - đổi mới mô hình kinh doanh do xuất hiện nhu cầu kinh doanh mới, thay đổi chính sách, nhu cầu tiêu dùng được xem là những yêu cầu buộc doanh nghiệp phải thay đổi và M&A là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, tính chất M&A cũng sẽ chuyển dần từ thù địch sang hợp tác, mở rộng sản xuất kinh doanh, thay đổi mô hình kinh doanh, tạo chuỗi liên kết trong nước…”

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Trong bối cảnh bình thường, hoạt động M&A là khâu trung gian tạo điều kiện cho các DN nước ngoài thâm nhập thị trường trong nước, nhưng trong bối cảnh hiện tại lại là giải pháp lớn mạnh nhanh cho các DN nội, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Để DN có thể trở thành những tập đoàn kinh tế lớn, không chỉ đòi hỏi cơ chế, chính sách, lợi ích, nỗ lực tự thân của các DN, khả năng nắm bắt cơ hội mà còn cả việc tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, trong đó M&A là sân chơi mở.

Nếu trong 10 năm trước M&A gần như là sân chơi của khối ngoại với các hoạt động mua bán, sáp nhập mà khối nội chỉ chủ yếu đóng vai trò bên bị mua, bên kháng cự thì nay đã khác. Nhiều DN Việt với chiến lược M&A đúng đắn đã lớn mạnh, lật ngược thế cờ, trở thành bên “đi săn” với các thương vụ lớn. Hoạt động M&A cũng đã vượt ra khỏi biên giới và mang tính khu vực quốc tế nhiều hơn. Cụ thể, Masan Group đã thực hiện những thương vụ đình đám trong thị trường bán lẻ. THACO Group đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp. Vinamilk vươn mình ra thị trường thế giới…

Cần thay đổi theo hướng tích cực

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy vậy, trong khó khăn vẫn có những DN có chung tầm nhìn, hòa hợp về triết lý kinh doanh “đứng cùng nhau tạo lập chuỗi giá trị” để dần nối liền những đứt gãy khách quan. Các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam không chỉ đi đầu trên mặt trận chống dịch, mà còn là những DN năng động, quyết liệt nhất trong các hoạt động tái cơ cấu, mở rộng hệ sinh thái và tạo lập chuỗi giá trị thông qua các hoạt động M&A.

Doanh nghiệp Việt đã chiếm vị thế

Năm 2018, doanh nghiệp (DN) Việt Nam là bên mua chiếm 18% thì giai đoạn 2019-2020 DN Việt là bên mua chiếm 30% tổng giá trị giao dịch; giai đoạn 7/2019 - 7/2021 tỷ lệ DN Việt tham gia lên đến 49%.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tác động của Covid-19 lên hoạt động M&A là khá rõ. Nếu như trong năm 2019, giá trị các thương vụ đạt 7,2 tỷ USD thì năm 2020 giá trị chỉ còn 3,5 tỷ USD, tức giảm 48,6%, tập trung tại các lĩnh vực chủ yếu như bất động sản, tài chính, ngân hàng, công nghiệp và bán lẻ, logistics, nông nghiệp, dược phẩm y tế, xây dựng...

Điểm đặc biệt là đã có thay đổi trong xu hướng M&A về bản chất khi mà hình thức được chuyển dần từ thôn tính sang hợp tác liên kết. Thống kê giai đoạn 2019-2021 cho thấy, 80% thương vụ là mua lại, 9% liên doanh và chỉ có 11% là sáp nhập; đồng thời 45% giao dịch chiều ngang (DN hoạt động trên cùng một thị trường có liên quan chuyển đổi), 19% giao dịch chiều dọc (DN hoạt động trên các thị trường có liên quan khác nhau) và 36% giao dịch hỗn hợp.

Dự báo xu hướng hoạt động M&A thời gian tới, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, giá trị các thương vụ trong năm 2021 sẽ ở quy mô 4,5-5 tỷ USD và năm 2022 có thể đạt 7 tỷ USD. Trong đó, hai yếu tố tác động mạnh đến M&A là việc cải cách thể chế sẽ giúp DN năng động, nhanh nhạy, thích ứng mau chóng hơn; kế đến là chiến lược phục hồi phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy DN phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, nâng cao sức chống chọi, tăng cường liên kết… “Việc xây dựng lại chiến lược, chuyển đổi - đổi mới mô hình kinh doanh do xuất hiện nhu cầu kinh doanh mới, thay đổi chính sách, nhu cầu tiêu dùng được xem là những yêu cầu buộc DN phải thay đổi và M&A là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đồng thời tính chất M&A cũng sẽ chuyển dần từ thù địch sang hợp tác, mở rộng sản xuất kinh doanh, thay đổi mô hình kinh doanh, tạo chuỗi liên kết trong nước…” – ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

KPMG: Thị trường M&A sắp bật tăng mạnh

Chia sẻ tại hội thảo với góc nhìn của nhà tư vấn, ông Nguyễn Công Ái – Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, cho biết trong năm 2020, KPMG và hầu hết nhân viên đều tương đối nhàn. Bởi trong lúc Việt Nam chống dịch rất tốt thì ở các nước khác khá khó khăn, nhưng họ vẫn sang Việt Nam và thực hiện được nhiều thương vụ M&A. Dù số thương vụ mà KPMG cùng khách hàng thực hiện có giảm đi đáng kể so với năm 2019 nhưng trong năm 2021 này, khi chúng ta đang gặp khó khăn do đại dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam thì ở các nước khác gần như đã giải quyết được vấn đề đại dịch. Điều này liên quan mật thiết đến các làn sóng M&A mới.

Đối với thị trường Việt Nam, trong khoảng thời gian vừa rồi, khi mà chúng ta phải dừng lại các hoạt động M&A, KPMG đã thực hiện thành công một số giao dịch hoàn toàn theo hình thức online. Tất cả đều online từ đàm phán cho đến ký hợp đồng. Đến giai đoạn tiếp theo là đầu năm 2022, khi mà Việt Nam đã có đủ vắc-xin, thị trường được mở cửa thì KPMG tin sẽ có sự phát triển đột biến kiểu như lò xo nén được mở trở lại. Chúng ta vì thế cũng nên không ngạc nhiên nếu chứng kiến sự phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam, giá trị có thể sẽ 100% so với các thời gian cùng kỳ.

“Hiện tại, dù tình hình vẫn còn khó khăn nhưng vẫn có những thương vụ được thực hiện. Minh chứng là vào tháng 9/2021, THACO đã thực hiện vụ mua lại chuỗi siêu thị Emart tại Việt Nam trong điều kiện khá khó khăn do phải thực hiện giãn cách. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường M&A nói riêng đang được chờ đợi để “cất cánh” trong năm 2022 và những năm tiếp theo” – ông Nguyễn Công Ái dự báo.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam