Phát triển hợp tác xã - Điểm tựa kinh tế của nông thôn

08:38 | 20/10/2021 Print
Các địa phương cần quan tâm thực sự đến sự phát triển của hợp tác xã, coi hợp tác xã là một phần của kinh tế nông thôn, là một phần không thể tách rời của kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn.
Hợp tác xã: Điểm tựa kinh tế của nông thôn
TS.Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thông tin tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Ngày 19/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khoảng 8.180 tỷ đồng hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Tại hội nghị, TS. Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, ước tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có 18.327 hợp tác xã nông nghiệp (HTX) và 79 Liên hiệp HTX nghiệp với 3,23 triệu thành viên; 34.871 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp với 628.000 thành viên. Tổng vốn của các HTX nông nghiệp hiện khoảng 29.425 tỷ đồng, bình quân mỗi HTX có vốn điều lệ 1,61 tỷ đồng.

Từ năm 2013 đến nay, số lượng HTX nông nghiệp tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng gần 800 HTX, giai đoạn 2017 - 2021 cao gấp hơn 3 lần giai đoạn trước đó (2012 - 2016). Tỷ lệ các HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt đã tăng từ 10% (năm 2013) lên trên 60% năm 2020.

Tổng kinh phí được nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho phát triển kinh tế tập thể, HTX lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước 20 năm qua đạt khoảng 8.180 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ HTX nông nghiệp tập trung nhiều ở giai đoạn 2013 - 2021 với khoảng 7.283 tỷ đồng, cao gấp 8 lần giai đoạn trước (2001 - 2012).

Các địa phương tập trung hỗ trợ chủ yếu vào phát triển kết cấu hạ tầng (1.861 tỷ đồng); hỗ trợ khoa học và công nghệ (1.206 tỷ đồng); tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX (1.768 tỷ đồng); đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực (593 tỷ đồng); xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường (255 tỷ đồng); hỗ trợ thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định 98 (1.105 tỷ đồng)...

Tính riêng trong năm 2020, đã có 96% số HTX được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 56%; tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Đức Thịnh cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đã xác định, kinh tế tập thể, hợp tác xã là công cụ, giải pháp trụ cột để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông, nông thôn. Nghị quyết 13 và Luật HTX 2012 đã tạo động lực, cơ chế phát triển cho kinh tế tập thể, hợp tác xã theo mô hình HTX kiểu mới.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 13 còn chậm, tại nhiều thời gian, thời điểm chưa quyết liệt... Số lượng HTX thành lập mới tăng mạnh, nhưng số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững; quy mô thành viên và doanh thu của các HTX nông nghiệp còn nhỏ bé. Các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và nông dân cũng chưa nhiều, mới đạt 24% tổng số HTX...

Phát triển hợp tác xã sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Chính phủ đã bàn đến câu chuyện phục hồi kinh tế sau đại dịch, làm sao nâng cao sự tự chủ của nền kinh tế trong nước, giảm phụ thuộc nước ngoài.

"Trong bối cảnh hiện nay ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng tăng cường sức mạnh nội tại. Cùng với sức mạnh của doanh nghiệp thì cũng cần chú ý đến kinh tế tập thể và HTX. Chúng ta quan tâm đến "đại bàng" nhưng cũng đừng quên những con "chim sẻ"." - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trong thế giới tự nhiên của loài chim, 50% là những con chim sẻ nhỏ bé, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, một số lượng đông đảo doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang có những đóng góp quan trọng.

"Cần nhìn sâu và tổng hợp đa chiều mới có thể nhìn ra giá trị, khi đó mới có thể lót ổ cho chim sẻ, không có tinh thần hợp tác thì không có HTX, mà muốn làm được thì phải có tư duy, tinh thần hợp tác." - ông Lê Minh Hoan nói.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương quan tâm thực sự đến sự phát triển của HTX, coi HTX là một phần của kinh tế nông thôn, là một phần không thể tách rời của kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hợp tác xã không phải là doanh nghiệp mà là sự hợp tác để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn. Chiều sâu của kinh tế nông thôn tạo ra những cộng đồng hợp tác ở nông thôn, chia sẻ và kết nối với các doanh nghiệp ngoài nông thôn. Tính kết nối đó mới tạo ra sức bền vững của nông thôn.

Để phát triển hợp tác xã, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ thu hút đầu tư công về hạ tầng logictics cho HTX để các hợp tác xã nâng cao năng lực và kích hoạt để bà con nông dân kết nối với nhau.

Đồng thời, bộ này đang chuẩn bị trình Chính phủ chương trình logictics cho ngành Nông nghiệp để hạn chế ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng qua những đại dịch, thiên tai, trong đó hợp tác xã sẽ là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng.../.

“Có thể hợp tác xã không mang lại nhiều về tăng trưởng cho địa phương và ngân sách nhà nước, nhất là hợp tác xã trong khu vực nông nghiệp nhưng nó chính là nền tảng cho sự liên kết, hợp tác, chia sẻ trong chuỗi ngành hàng. Hợp tác xã chính là nơi để huy động sức mạnh cộng đồng, nông dân cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để tạo ra một sức mạnh đa chiều hơn. Sự kết nối tạo ra sự bền vững hơn.” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam