Gửi niềm hy vọng cho 2022

08:43 | 20/10/2021 Print
(TBTCO) - Quốc hội khoá XV bước vào Kỳ họp thứ hai với gánh nặng quyết sách cực lớn, năm 2022 có hy vọng bật dậy hay không đều phải trông chờ ở những ngày họp này. Chỉ còn hơn hai tháng nữa là hết chặng đường 2021, dịch giã chưa qua, bão lũ đã tới, nền kinh tế đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ngóng về nghị trường

Vào lúc này, có thể chắc chắn mục tiêu GDP năm 2021 không thể đạt được theo kế hoạch đề ra và nếu đạt được mức tăng bằng một nửa kế hoạch cũng đã là dốc hết sức. Các bản báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 đã được Chính phủ sẵn sàng để chuẩn bị báo cáo Quốc hội (QH).

17 ngày họp của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV có thể coi là thời gian “vàng” để chuẩn bị cho quá trình tái khởi động nền kinh tế.
17 ngày họp của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV có thể coi là thời gian “vàng” để chuẩn bị cho quá trình tái khởi động nền kinh tế.

Thẩm tra các báo cáo, thay mặt các cơ quan của QH, Ủy ban Kinh tế cho rằng để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kinh tế - xã hội năm 2021, cần đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ. Trong thời gian qua, một số chính sách ban hành, thực hiện chưa tương xứng với tính chất phức tạp, dài hạn và quy mô tác động lớn của dịch Covid-19, tiếp cận còn khó khăn, tỷ lệ giải ngân thấp; còn hạn chế, bất cập và chưa kịp thời với một số đối tượng. Các gói hỗ trợ thấp hơn các nước trong khu vực về quy mô; thiếu cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ - tín dụng.

Đây cũng chính là nội dung mà cả người dân và doanh nghiệp đều đang ngóng về nghị trường. Đuối sức là điều có thể thấy rất rõ đối với cả nền kinh tế. Tại nơi diễn biến dịch bệnh khốc liệt nhất là TP. Hồ Chí Minh, dẫu đã mở cửa được hơn nửa tháng, tưởng rằng sự hứng khởi sẽ lập tức ùa đến, nhưng không, bầu không khí sản xuất kinh doanh vẫn rất ảm đạm...

Nhìn ở bức tranh tổng thể, động lực tăng trưởng của cả nước bị suy giảm cả trong ngắn hạn (về phía cầu, tiêu dùng giảm sâu, doanh thu bán lẻ liên tục giảm) và trong trung, dài hạn (về phía cung, sản xuất công nghiệp, dịch vụ giảm, chỉ số PMI của công nghiệp giảm…). “Tiếp sức! Tiếp sức! Tiếp sức!”, dường như tất cả giải pháp cứu nền kinh tế lúc này chỉ cần tập trung vào hai từ như vậy.

Không còn ngày nghỉ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 2 trong 17 ngày, làm việc liên tục cả ngày thứ bảy và chủ nhật, sẵn sàng làm ngoài giờ, làm thêm vào buổi tối để rút ngắn thời gian họp. “Yêu cầu rất lớn đặt ra trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ họp là vừa cố gắng giảm thời gian làm việc nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng các quyết đáp của Quốc hội (QH) đối với sự phát triển của đất nước trong năm 2022 và các năm tiếp theo” - Chủ tịch QH yêu cầu: “bảo đảm chất lượng là yêu cầu bắt buộc, không vì quá tiết kiệm thời gian mà làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của QH”.

Theo chương trình, Chính phủ chuẩn bị 54 báo cáo, tờ trình, đề án, dự án trình QH. Cũng vì “bảo đảm yêu cầu chất lượng là yêu cầu bắt buộc”, mặc dù kỳ họp thứ hai ngắn hơn nhiều so với thông lệ các kỳ họp cuối năm, QH vẫn dành thời gian để chất vấn thành viên Chính phủ, mặc dù trước đó có một số ý kiến từ một số cơ quan “ngỏ ý” hoãn nội dung này, một số ý kiến lại đề nghị nên thay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp bằng hoạt động “lắng nghe hiến kế của nhân dân” thông qua ý kiến đại biểu QH.

Nhưng “tiếp sức” thế nào cho đảm bảo có thể gượng dậy thì cần phải có một chương trình tổng thể về phục hồi. Mà chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế 2022 - 2023 đến nay mới đang trong quá trình tham khảo ý kiến, chưa có dự thảo cuối. Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng, chương trình tổng thể về phục hồi phải đánh giá lại tăng trưởng GDP để định vị lại vị trí, năng lực nền kinh tế hiện nay, từ đó có giải pháp điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Điều tiên quyết phải có những gói hỗ trợ từ phía Nhà nước, song song với việc điều chỉnh, nới lỏng có kiểm soát chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thích hợp để mở cửa trở lại nền kinh tế.

17 ngày “vàng”

Theo tổng hợp từ giới chuyên gia, tính đến tháng 5/2021, các nước ASEAN đã sử dụng khoảng 7,8% GDP để kích thích kinh tế, trong khi Việt Nam dùng chưa tới 3% GDP. Ở nửa bên kia bán cầu, Hoa Kỳ đưa ra gói hỗ trợ lên tới 5.000 tỷ USD (khoảng 24% GDP) và quốc gia này còn thông qua đạo luật tiếp tục nâng trần nợ công…Một con số “tàm tạm” cho Việt Nam, phải tối thiểu 5% GDP, tương đương ít nhất 20 tỷ USD (khoảng 450.000 tỷ đồng).

TS. Trương Văn Phước - Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thấy trần nợ công của Việt Nam quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế chỉ mới đạt khoảng 44 - 45% GDP (theo cách tính mới), như vậy là hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tăng quy mô gói hỗ trợ kinh tế. Muốn quyết được như vậy, tất cả trông chờ ở QH, bởi QH là nơi quyết định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội như tăng trưởng GDP, lạm phát, bội chi ngân sách, nợ công...

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ rất sốt ruột. Trong tuần qua, ông liên tục có các cuộc làm việc liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ. Nhắc lại Hội nghị Trung ương 4, Ban chấp hành Trung ương khoá XIII đã bàn và đưa ra nhiều quyết sách, trong đó có chủ trương nghiên cứu điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp, điều chỉnh 2 chính sách này với liều lượng hợp lý vào trong thời điểm phù hợp, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân…

“Kỳ họp thứ hai là kỳ họp vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định” - đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nhấn mạnh: “17 ngày họp có thể coi là thời gian "vàng" để chuẩn bị cho quá trình tái khởi động nền kinh tế. Hơn lúc nào hết, nền kinh tế đang cần có biện pháp giải cứu cấp bách và chờ QH quyết đáp cho việc mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh, nhất là gói hỗ trợ tài khóa vì dư địa của chính sách tài khóa còn lớn”.

Từ Alpha đến Delta

Một năm trước, Việt Nam được cả thế giới biết đến vì năng lực chống dịch, khóa chặt mọi diễn biến của biến thể Alpha, đạt được tăng trưởng dương trong khi nhiều quốc gia chỉ đạt âm. Tháng 6/2020, lúc cả thế giới vẫn đang loay hoay giữ khoảng cách, hình ảnh sân vận động Thiên trưởng (Nam Định) đông nghẹt người đã lên báo quốc tế như một hiện tượng cực kỳ đặc biệt. “Hàng nghìn người hâm mộ đã đổ về các sân vận động ở Việt Nam khi các hoạt động bóng đá chuyên nghiệp được phép trở lại, trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập đông người đã được dỡ bỏ, nhờ vào thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” - hãng Reuters viết.

Còn nay, với biến thể Delta, thì tình hình ngược lại. Chỉ từ chữ “A” đến chữ “D” mà đã như đỉnh cao và vực sâu. Khi các nước cùng mở cửa lại và bước qua đại dịch, thì Việt Nam vẫn vật lộn trong giãn cách kéo dài từ tháng 6. Đồng thời trong khi kinh tế thế giới cùng nhiều nước đảo chiều từ tăng trưởng âm của 2020 sang tăng trưởng dương trong năm 2021 thì Việt Nam tăng trưởng năm 2021 dự báo không đạt kế hoạch và tăng không đáng kể so với 2020. Việt Nam từ một ngôi sao, có mức tăng trưởng thuộc nhóm các quốc gia cao của thế giới trong năm 2020, đã rơi xuống nhóm có mức tăng trưởng trung bình. Kỳ họp thứ 2, QH, Chính phủ muốn nỗ lực bàn những giải pháp quyết liệt nhất để mang lại niềm hy vọng tình hình sẽ cải thiện mạnh mẽ vào năm tới.

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam